Hôm nay (ngày 11/10), Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Báo VnExpress, Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT và TikTok Việt Nam tổ chức Chương trình phát động các hoạt động của chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”.
Chương trình ý nghĩa này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận khi vấn nạn tin giả đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dùng.
Phát biểu tại Chương trình phát động các hoạt động của chiến dịch Chiến dịch "Tin", Thứ trưởng Bộ TT&TT - ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay rất nhiều người dùng coi mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube là cuộc sống thứ 2 khi chia sẻ nhiều thông tin trên các nền tảng này.
"Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, nhiều người trẻ hiện nay coi mạng xã hội Facebook, TikTok, Youtube là cuộc sống thứ 2 và chia sẻ nhiều thông tin có ảnh hưởng đến cộng đồng người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những người nhà sáng tạo nội dung tích cực, còn nhiều người muốn nổi tiếng nhanh đã làm nội dung "bẩn". Do đó, tin giả, xấu độc ngập tràn trên mạng xã hội, ảnh hưởng xấu đến người dùng", Thứ trưởng Thanh Lâm chia sẻ.
Thứ trưởng nói thêm, các nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng thoải mái sáng tạo nội dung để có view, traffic, từ đó đưa ra những quảng cáo để thu tiền. Cũng chính vì thế, các mạng xã hội có những thuật toán, đề xuất nhiều hơn đến người dùng. Tuy nhiên, hiện nay các mạng xã hội đang dần phải có sự thay đổi, chuyển đổi mô hình kinh doanh khi công nghệ phát triển, người dùng chọn lọc thông tin hơn.
"Các nền tảng mạng xã hội thu hút người dùng nhất hiện nay đang phải chuyển mình từ quảng cáo sang không quảng cáo để thu tiền của người dùng. Youtube có phiên bản Premium không có quảng cáo, Facebook, TikTok cũng tương tự để chuyển đổi mô hình kinh doanh", ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.
Việc người dùng phải trả tiền để xem nội dung là bước tiến quan trọng trong việc phòng chống nạn tin giả xuất hiện trên mạng xã hội hiện nay. Song song với đó, để phòng chống tin giả, ý thức của người dân cũng là việc quan trọng bên cạnh những chiến dịch truyền thông như chương trình "Chiến dịch Tin".
Chia sẻ tại Toạ đoàn trong khuôn khổ sự kiện, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT cho biết, nạn tin giả diễn ra trên mạng xã hội phổ biến khiến người dùng khó phân biệt, nhiều người cũng đã có những suy nghĩ tiêu cực hoá.
Kể câu chuyện, ông Tự Do cho biết còn nhớ làm việc với C06 Bộ Công An, gọi điện vận động người dân ra phường làm Căn cước công dân, tuy nhiên có người cho biết "Gọi điện bảo làm Căn cước để lấy thông tin của tôi phải không". Điều đó chứng tỏ nạn tin giả đã quá phổ biến đến mức người dân đã tự "biết sợ".
Kết thúc Toạ đàm trong Chương trình phát động chiến dịch "Tin", Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT khẳng định "Nhận thức người dân nâng cao sẽ giảm lừa đảo qua nạn tin giả".
Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Báo VnExpress và TikTok Việt Nam phối hợp tổ chức từ 2/10 đến 28/10 năm 2023. Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng, cuộc thi là sân chơi dành cho mọi đối tượng có thể sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Để tham gia, người dự thi cần đăng video tối thiểu 15 giây ở chế độ công khai kèm hashtag #AntiFakeNews #tin trên nền tảng TikTok với nội dung theo 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Thực hiện điệu nhảy "Anti Fake News" dựa trên điệu nhảy do Ban tổ chức công bố;
Chủ đề 2: Hát bài hát chủ đề của chương trình hoặc sáng tác/viết lời bài hát theo chủ đề của cuộc thi "Anti Fake News";
Chủ đề 3: Kể câu chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống và cách xử lý khi bản thân hoặc người thân gặp phải dựa trên những thông tin sau: (1) Thông tin chưa đúng sự thật, chưa được kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; (2) Thông tin lừa đảo, chưa đúng sự thật khiến cộng đồng hiểu sai và tin vào điều đó dẫn đến những tác động tiêu cực; (3) Đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng; (4) Vô tình chia sẻ thông tin sai hoặc thiếu kiểm chứng vì tin tưởng người đưa tin.