Đôi khi tôi tự hỏi: Không biết vô tình hay hữu ý mà ngày doanh nhân và ngày nông dân Việt Nam lại liền kề nhau ở trung tuần tháng 10?
Và tôi thường tự trả lời rằng đó là sự cố ý, bởi nông dân và doanh nhân, bề ngoài thì khác biệt khá nhiều, nhưng thực ra trong xã hội Việt Nam thì đây là hai nhóm người gần nhau nhất. Đóng góp nhiều nhất, và thiệt thòi nhất!
Tháng 10, tháng đầu của quý 4, họ là những người phải nghĩ về công nợ đầu tiên. Họ không có lương, không có thưởng. Nông dân thì phải lo thu xếp trả nợ vật tư, doanh nhân lo đáo hạn ngân hàng, lo lương thưởng cho người làm công. Ít năm trước tôi đi qua một vùng đồi, thấy vườn cam đẹp quá bèn muốn có một mảnh vườn. Hỏi, người ta bảo nông dân quý đất lắm, nếu không bí bách quá thì chẳng ai bán đâu. Nhờ có người quen ở địa phương, rồi tôi cũng có cơ hội mua được mảnh vườn nhỏ. Ở đó vài năm, thỉnh thoảng lại có người nông dân yêu đất rụt rè hỏi: Anh xem có ai muốn mua vườn không, tôi cần bán một ít. Khi cây cam bị bệnh, hoặc rớt giá, những người nông dân chẳng có gì để bán lấy tiền trả nợ vật tư, phân bón. Bởi vì hoa lợi họ làm ra, dù được giá cũng luôn thấp hơn rất nhiều lần những thứ họ phải mua.
Hàng hoá của người nông dân mặc nhiên bị xã hội định giá thấp. Sức lao động của người nông dân mặc nhiên được xếp vào loại rẻ mạt. Nếu là hộ thuần nông, chẳng may có một đứa con đỗ đại học, hoặc có người phải đi bệnh viện, họ sẽ phải bán vườn. Tôi thường lên Mù Căng Chải, hoặc Hoàng Su Phì mùa lúa chín để ngắm ruộng bậc thang. Khung cảnh kỳ vĩ và tráng lệ của những thửa ruộng bậc thang là một thứ tài nguyên tuyệt vời để làm du lịch. Những resort sang trọng bắt đầu mọc lên để khai thác giá trị của những thửa ruộng ấy.
Nhưng lợi nhuận từ những thửa ruộng ấy có quay về với những người chủ của nó không? Rất ít, và phần lớn nông dân trồng lúa trên ruộng bậc thang vẫn thuộc nhóm nghèo nhất nước. Bởi nếu không còn nghèo thì họ đã thôi không trồng lúa. Thỉnh thoảng tôi nhận được phản ánh của người dân ở Hà Nội, TpHCM phàn nàn về một đoạn đường qua khu dân cư của họ bị xuống cấp, đường nước bị hư… Đó là điều mà những người nông dân không bao giờ phải phàn nàn. Bởi vì họ không mặc nhiên có đường đi, hay có nước sạch. Để có một con đường nho nhỏ, nếu may mắn họ sẽ được nhà nước hỗ trợ xi măng, còn lại họ phải góp tiền mua cát và bỏ công ra làm đường. Để có nước đùng, họ phải bớt tiêu pha mua đường ống dẫn nước từ trên núi về. Nông dân là những người phải lao động nhiều nhất, là nhân tố chính đảm bảo an ninh lương thực cho xac hội nhưng được thụ hưởng từ đầu tư công ít nhất.
Bạn tôi là một doanh nhân, nhà máy của anh có khoảng ngàn công nhân, mỗi tháng anh phải lo 8 tỷ tiền lương cho nhân viên của mình. Về cơ bản, lúc nào tôi cũng thấy anh tất bật, thường để rơi điện thoại vì ngủ thiếp đi khi chưa kết thúc quá trình kiểm tra công việc. Nếu người nông dân gặp rủi ro về thời tiết, thì doanh nhân như anh luôn phải đối mặt với rủi ro về chính sách. Một chút thay đổi nhỏ từ chính sách cũng có thể tác động tức thời đến doanh thu.
Doanh nhân là những người đóng thuế nhiều nhất. Nhưng họ là những người được hưởng sự ưu tiên từ phúc lợi ít nhất. À, họ được ưu tiên khi dùng hạng thương gia khi đi máy bay, nhưng đó là sự ưu tiên trả tiền nhiều hơn. Nông dân và doanh nhân là những trụ cột tạo nên nguồn sống của xã hội, nhưng họ là những người được thụ hưởng thấp nhất sự phân bổ phúc lợi từ thành tựu của phát triển. Họ là những người yếu thế và thiệt thòi nhất trong xã hội này. Của cải họ làm ra tạo nên tiền lương cho đội ngũ công chức . Về lý, đội ngũ công chức hưởng lương để phục vụ, hỗ trợ họ. Nhưng nhiều công chức lại quan tâm đến quyền lực từ vị trí của mình nhiều hơn là chức phận phục vụ.