Trước đây, gia đình anh Nguyễn Danh Việt ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang, Hải Dương) trồng chủ yếu giống ổi bo, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, sau khi tìm hiểu nhiều giống ổi, anh Việt quyết định chuyển toàn bộ 9 mẫu sang trồng ổi lê Đài Loan.
"Sau 1 năm, ổi đã cho thu hoạch. Do chúng tôi điều chỉnh thời điểm thu hoạch lệch so với ổi chính vụ nên giá bán khá cao, từ 15.000 -16.000 đồng/kg tại vườn, cao gần gấp đôi giống ổi khác", anh Việt cho biết.
Trước đây, gia đình anh Vũ Văn Diện ở thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Việt (Kim Thành, Hải Dương) trồng ổi và táo trên diện tích 3 sào. Tuy nhiên, anh Diện thấy cây táo không hiệu quả nên đã chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan và tăng diện tích lên 1,7 mẫu.
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây, anh Diện trồng thưa, chỉ 35 cây/sào. "Tôi trồng thưa để cây có nhiều ánh sáng. Chất lượng quả cũng thơm, ngon hơn vì cây được quang hợp nhiều ánh sáng và việc thu hái, chăm sóc, bọc quả cũng thuận lợi hơn", anh Diện nói.
Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Hải Dương đã dần thay thế các giống cây trồng khác bằng ổi lê Đài Loan. Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương), chất lượng ổi lê Đài Loan thơm ngon, ăn giòn, ngọt, ít hạt... Cây dễ chăm sóc do ít phụ thuộc vào thời tiết. Có thể điều chỉnh để tránh thu hoạch vào thời điểm chính vụ và kéo dài thời gian thu hoạch trong vài ba tháng nên giảm áp lực về thời vụ.
Ổi lê Đài Loan được trồng thử nghiệm ở Hải Dương từ năm 2010, thuộc Đề tài "Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất giống ổi lê Đài Loan" do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (nay là Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và khảo nghiệm giống cây trồng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện.
Trước đây, nông dân trồng ổi ở một số nơi không hoặc ít tỉa cành, dùng phân bón hóa học nhiều... nên cây nhanh bị thoái hóa, chất lượng quả không cao, nhiều sâu bệnh. Khi được hướng dẫn kỹ thuật mới, một số hộ lúc đầu chưa tin tưởng nhưng sau khi thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt đã mạnh dạn áp dụng.
Trong điều kiện bình thường, ổi ra hoa từ tháng 3-4 và cho thu hoạch vào các tháng 6-8. Tuy nhiên, thời điểm này chất lượng quả ổi Đài Loan kém, có vị chua vì mưa nhiều, giá thấp do cùng mùa thu hoạch với các loại hoa quả khác. Do đó, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, điều chỉnh thời điểm ra hoa để thu hoạch quả từ tháng 9 đến tháng 3-4 năm sau.
Việc cắt, tỉa cành được thực hiện sau khi thu hoạch quả và trước khi bón phân. Cành được tỉa bỏ là những cành bên trong tán cây, ốm yếu, bị sâu bệnh, cành khô, mọc gần mặt đất, đan chéo, già không còn khả năng cho quả, tỉa bỏ những quả ổi đậu giai đoạn hoa nở tháng 2, tháng 3...
Khi được cắt tỉa, vườn ổi sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế sự phát sinh của sâu bệnh, nhất là những thời điểm nắng nóng mưa nhiều, độ ẩm cao. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ thay thế các loại phân hóa học nên bảo đảm an toàn cho người dân và kéo dài tuổi thọ của cây.
Là hộ tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật mới vào trồng ổi, anh Vũ Văn Diện cho biết thêm nếu trước đây 10 quả ổi thì phải vứt đi 1-2 quả do sâu bệnh thì nay được cả 10. Cây ổi lúc nào cũng xanh non đầy sức sống chứ không khô cằn như trước. Có nhiều ánh sáng nên kích cỡ, màu sắc, độ ngọt của quả ổi cũng hơn trước. Nếu tính 1 ha ổi lê trồng theo kỹ thuật mới, sau khi trừ chi phí cho lãi cao hơn trước trên 120 triệu đồng/ha.
Việc đưa giống ổi lê Đài Loan và những biện pháp kỹ thuật mới vào chăm sóc giúp người dân Hải Dương có thêm cây trồng mới chất lượng, năng suất, giá trị cao thay thế những cây trồng kém hiệu quả.