Hơn 10 năm làm công chức trong đơn vị cấp sở tại Ninh Bình, tiền lương của chị Nguyễn Thị T. (37 tuổi) cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng. Lương thấp, công việc của chồng lại không ổn định nên một mình chị phải bươn trải làm đủ nghề để kiếm tiền sinh sống nuôi 2 con ăn học.
Chị T kể: "Hồi đầu mới về đơn vị, mình nghĩ lương thấp thế này chắc chết, hoặc thôi làm thời gian rồi nhảy việc. Nhưng làm rồi mới thấy, nhiều người cũng công chức, lương ba cọc ba đồng như mình nhưng vẫn sống khỏe".
Sau một hồi nghiên cứu, chị T phát hiện các đồng nghiệp đa phần đều "chân trong chân ngoài", thậm chí "chân ngoài còn dài hơn chân trong". Nghiên cứu một hồi chị quyết định trở thành cò đất. Năm 2017, lúc đó chưa có dịch Covid-19, chị trúng thương vụ cò đất đầu tiên, được lãi 40 triệu đồng. Sau lần đó, chị tìm hiểu thêm vừa làm cò đất, vừa vay mượn tiền lướt đất. Kết quả cũng trúng được mấy lô, lời lãi cả tỷ đồng.
"Đầu năm 2020, khi xảy ra dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, đất cát bắt đầu chững lại, giờ gần như chết hẳn. Giờ tôi chuyển sang chơi chứng khoán và forex. Tùy cách chơi, tùy từng thời điểm, nhưng tôi tung vốn ít, đánh nhanh rút nhanh. Mục tiêu mỗi ngày kiếm 200-300 nghìn đi chợ", chị T kể.
Theo lời chị T, không phải chỉ mình chị, hầu hết công chức, viên chức ở cơ quan chị đều làm ăn, kinh doanh ngoài. Ai không có nhiều tiền đầu tư làm ăn thì lướt đất, chơi chứng khoán, chơi forex...
"Tất nhiên, hên có lúc có người được tiền tỷ, nhưng đen thì mất cả chì lẫn chài. Vì thế, nếu muốn yên phận thì cứ chơi nhỏ lẻ, cò con thôi", chị T nói.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng hơn 2,2 triệu công chức, viên chức biên chế. Trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thống kê cũng cho thấy từ năm 2020 đến năm 2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế, giáo dục. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là môi trường làm việc hạn chế, chế độ tiền lương thấp.
Lương thấp, khiến nhiều công chức, viên chức phải xoay sở đủ cách kiếm tiền. Một số người ít nhanh nhạy, chỉ sống bằng tiền lương thì phải nhờ sự "cứu trợ" của bố mẹ 2 bên.
Chưa hết giờ tan làm nhưng chị Nguyễn Thị Anh (31 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải tất tưởi chạy ra bến xe khuân thùng đồ ăn bà ngoại gửi từ quê ra.
"Lâu nay khó khăn, chồng đi làm thì tháng bị nợ lương, tháng giảm lương, khoản tiền lương từ công chức văn phòng quận ủy của tôi (4,8 triệu đồng) không đủ nuôi 4 miệng ăn. Nghe tin con cái khó khăn, bố mẹ 2 bên đã phải hỗ trợ đủ cách", chị Anh kể.
Đồ ăn, ông bà nội gửi 1 tuần, ông bà ngoại gửi 1 tuần. Bố mẹ An gửi từ rau củ, cá, thịt cho tới cả gạo. Tháng nào bí quá, ông bà lại cắt khoản lương hưu tiết kiệm chuyển tiền học cho cháu.
"Nghĩ cũng thương bố mẹ, nhưng giờ khó khăn, chẳng biết làm sao đành làm phiền ông bà. Giờ đi làm cả ngày, tối về lại dạy 2 con học hành có muốn tìm việc làm thêm cũng khó", chị Anh nói.
Nghĩ đến tiền lương, chị Anh chỉ biết thở dài. Sau 7 năm đi làm, tiền lương của chị chưa được nổi 5 triệu đồng. Kể cả vừa qua Chính phủ vừa tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên tới 1,8 triệu đồng, thì tiền lương của chị cũng mới được 3,9 triệu đồng (gần 4 triệu đồng). Cộng các khoản phụ cấp ước chừng cũng được tầm 4,8 triệu đồng/tháng. Chị chỉ ước gì nhà nước sớm cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức người lao động. Đặc biệt ưu tiên cho người lao động, công chức trẻ, có mức lương thấp không đủ sống.
"Nếu khó khăn cứ kéo dài mãi thế này thì chắc tôi phải xin nghỉ việc. Ra ngoài xin làm công nhân, hoặc tính kế làm ăn buôn bán gì đó, chứ không thể sống nổi", chị Anh kể.
Trước thực trạng tiền lương thấp, đời sống công chức, viên chức và người lao động nói chung đang rất khó khăn, vừa qua Chính phủ đã trình đề án cải cách tiền lương. Theo đó, khả năng từ 1/7/2024, Chính phủ sẽ tiến hành cải cách tiền lương một cách toàn diện. Mục tiêu là tăng tiền lương của công chức, viên chức, đưa tiền lương về giá trị thực giúp đảm bảo đủ đời sống của người lao động, đồng thời làm động lực cho tăng trưởng và phát triển xã hội.