UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Quyết định 31/2022/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn TP.Cần Thơ.
Theo đó, các cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động trên địa bàn TP.Cần Thơ được hỗ trợ di dời khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch, mức hỗ trợ một lần 100% tổng chi phí tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt lại hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.
Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí theo quy định, được UBND TP quyết định công nhận, được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Về phương thức hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ được bổ sung cho UBND cấp xã nơi có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận và được sử dụng cho các hoạt động của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, như xây dựng cổng chào, điểm bán hàng, điểm trình diễn sản xuất, tổ chức lễ công nhận… Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách TP.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định về hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các làng nghề.
Cụ thể, nội dung, nguyên tắc ưu tiên, phương thức thực hiện, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2, Điều 14 của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Mức hỗ trợ 50% kinh phí đối với từng dự án cụ thể, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Bên cạnh đó, Quyết định còn có chính sách đào tạo nhân lực. Theo đó, các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề được hỗ trợ 50% chi phí tổ chức lớp. Nội dung chi và mức chi cho tổ chức lớp thực hiện theo các quy định hiện hành.
Các nội dung, định mức hỗ trợ khác không quy định tại Điều này, được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND của UBND TP.Cần Thơ về việc ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công.
Hỗ trợ các dự án bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng. Hỗ trợ khi được công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí theo quy định, được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận, được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Về phương thức hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ được bổ sung cho UBND cấp xã nơi có nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận và được sử dụng cho các hoạt động của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (xây dựng cổng chào, điểm bán hàng, điểm trình diễn sản xuất, tổ chức lễ công nhận...).
UBND TP.Cần Thơ đã giao Sở NNPTNT TP, hàng năm, phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi Sở Tài chính tổng hợp vào phương án phân bổ ngân sách, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của các làng nghề và các cơ sở ngành nghề nông thôn.