TP.CHM: Nhiều làng nghề đang được lên kế hoạch bảo tồn, phát triển
TP.HCM: Các huyện tăng cường bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống
Trần Đáng
Chủ nhật, ngày 08/10/2023 15:09 PM (GMT+7)
UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) vừa gửi hồ sơ đến Sở NNPTNT TP.HCM về việc đề xuất công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho Làng muối xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Theo ông Ngô Hoàng Quý, Phó Chủ tịch xã Lý Nhơn, nghề làm muối ở xã Lý Nhơn đã có từ lâu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng.
Hằng năm, từ tháng 12 năm đến tháng 4 năm sau, người dân biến nguồn nước biển dồi dào thành những hạt muối ngon cung cấp cho nhu cầu đời sống.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân xã Lý Nhơn vẫn giữ được bản tính cần cù, siêng năng, sáng tạo, tính kết nối cộng đồng, đặc biệt là trong nghề sản xuất muối. Các phương tiện, phương thức, công cụ sản xuất, dụng cụ đo lường… đều mang dấu ấn văn hóa truyền thống, đó là sự độc đáo của làng nghề cần được bảo tồn và phát huy.
Hiện, xã Lý Nhơn có 487 hộ tham gia sản xuất, trên diện tích 963ha muối trải bạt; năng suất đạt 43 tấn/ha.
Trong khi đó, huyện Bình Chánh cũng có báo cáo về tình hình bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Mới đây, huyện Bình Chánh cũng đã đề ra phương hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trong những năm tới.
Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, huyện sẽ bảo tồn và phát triển làng nghề se nhang. Thực hiện hồ sơ công nhận làng nghề trồng mai tại xã Bình Lợi, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề nuôi cá kiếng xã Bình Lợi.
Về phương hướng bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, huyện Bình Chánh sẽ tăng cường thông tin, truyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo cho người lao động tại các làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia làng nghề.
Huyện cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất; phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; hỗ trợ vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Bên cạnh đó, Bình Chánh sẽ xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây đựng nông thôn mới trên địa bàn và các quy hoạch có liên quan; ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch nông thôn trong đề án, chương trình hoặc kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển làng nghề trồng mai tại xã Bình Lợi; rà soát, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan đến làng nghề, thực hiện khảo sát địa điểm kết nối phát triển du lịch gắn với khu di tích lịch sử trên địa bàn tại Làng mai vàng xã Bình Lợi, làm điểm kết nối du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu "Mai vàng Bình Lợi"…
Phát triển các sản phẩm làng nghề thân thiện với môi trường, triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sạch và khuyến khích các làng nghề sản xuất sạch, tiếp tục hỗ trợ làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ, cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, xây dựng mô hình làng nghề kết hợp với du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.