Cập nhật giá mít Thái hôm nay 19/10 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho thấy, giá mít Thái ổn định ở mức cao. Như vậy, khoảng 7 ngày qua, giá mít Thái không tăng không giảm, điều này khiến cho hoạt động mua bán gặp nhiều thuận lợi.
Theo nhiều thương lái và vựa lớn nhận định, giá mít Thái trong thời gian tới tiếp tục ổn định, thậm chí có thể tăng thêm nhưng không nhiều.
Cụ thể, tại Tiền Giang, các vựa mua mít Nhất với giá 30.000-31.000 đồng/kg, mít Kem lớn 29.000 đồng/kg, mít Kem nhì 19.000 đồng/kg, mít Kem ba 9.000 đồng/kg.
Riêng phía thương lái đi đến vườn ở huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mua mít Nhất với giá 28.000-29.000 đồng/kg, mít Kem lớn 27.000 đồng/kg, mít Kem nhì 17.000 đồng/kg, mít Kem ba 7.000 đồng/kg.
Cũng như giá mít Thái Tiền Giang, giá mít Thái hôm nay 19/10 tại các địa phương khác ở ĐBSCL như Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ không tăng không giảm so với vài ngày trước đó.
Tại các địa phương nói trên, các vựa lớn thông báo mua vào như sau: mít Nhất 29.000-30.000 đồng/kg, mít Kem lớn 28.000 đồng/kg, mít Kem nhì 18.000 đồng/kg, mít Kem ba 8.000 đồng/kg.
Thương lái vào tận vườn cắt, mua mít Thái với giá như sau: mít Nhất 27.000-28.000 đồng/kg, mít Kem lớn 26.000 đồng/kg, mít Kem nhì 16.000 đồng/kg, mít Kem ba 6.000 đồng/kg.
Một số thương lái thu mua mít Thái ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho hay, có nhiều vườn mít thu hoạch xong có tỉ lệ xơ đen rất cao, gây thiệt hại rất lớn về năng suất. Đặc biệt, tình trạng mít xơ đen năm nay nhiều hơn những năm trước đó.
Nguyên nhân được đưa ra nhiều nhất là ảnh hưởng bởi những cơn mưa kéo dài khi trái mít non đang thụ phấn. Cụ thể, khi mưa nhiều kéo dài, vi khuẩn phát triển mạnh, lây lan nhanh vào trong trái, làm cho múi mít bị hư, chuyển sang màu đen.
Trái mít xơ đen hiện không được thương lái mua, những trái này chỉ có thể dùng trong chăn nuôi dê, cá hoặc ốc bươu đen.
Hiện để hạn chế mít xơ đen, nhà vườn phải bón vôi khử khuẩn trước mùa mưa diễn ra. Khi cây mít Thái ra bông, phải phun thuốc diệt vi khuẩn có tính mát, không để vi khuẩn tấn công vào bên trong trái.
Để có kết quả kết quả tốt nhất, trong quá trình tuyển trái, nhà vườn phải cắt bỏ những trái mít nghi xơ đen, không để những trái mít xơ đen phát triển cạnh tranh dinh dưỡng với những trái khác.