Dân Việt

Một dự án nuôi bò hơn 2.000 tỷ đồng giúp nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập bền vững

Huỳnh Xây - CTV 24/10/2023 07:00 GMT+7
Tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện dự án phát triển chăn nuôi nuôi bò trên 2.200 tỷ đồng. Bước đầu, đã giúp các hộ dân, đặc biệt là người dân tộc Khmer tăng thu nhập bền vững.

Tăng thu nhập bền vững nhờ nuôi bò thịt và bò sữa

Ông Lý Sông ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho hay, gia đình đang nuôi 20 con bò sữa. Theo đó, mỗi ngày thu được trên 300.000 đồng từ tiền bán sữa bò. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ổn định, các con ông cũng có điều kiện đi học đến nơi đến chốn.

Nhờ dự án nuôi bò trên 2.000 tỷ đồng, nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập bền vững - Ảnh 1.

Ông Lý Sông ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đang nuôi 20 con bò sữa. Ảnh: CTV

Theo tìm hiểu, trước đây, ông Sông chỉ có 2 con bò sữa giống được hỗ trợ từ dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh Sóc Trăng. Do nỗ lực vươn lên, ông đã phát triển lên được đàn bò sữa như hiện nay.

"Nhờ dự án hỗ trợ nuôi bò sữa, tôi đã phát triển được đàn bò 20 con. Ngoài nuôi bò sữa, tôi còn trồng lúa, tận dụng rơm làm thức ăn cho bò, nhẹ chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận cho gia đình" - ông Sông nói.

Bà Danh Thị Chành Thy thuộc diện cận nghèo cùng ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú được hỗ trợ 2 con bò giống. Hiện gia đình bà Thy đã có trên 10 con bò, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm.

"Từ việc nuôi bò, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, dần vươn lên. Trước đây, tôi không biết gì về kỹ thuật nuôi bò, nhờ cán bộ kỹ thuật của dự án mở lớp tập huấn, hướng dẫn tôi đã rành, việc chăn nuôi khá thuận lợi" - bà Thy thông tin.

Nhờ dự án nuôi bò trên 2.000 tỷ đồng, nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập bền vững - Ảnh 2.

Bà Danh Thị Chành Thy có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm từ việc nuôi bò. Ảnh: CTV

Không những hỗ trợ về con bò giống, theo bà Thy, cán bộ phụ trách kỹ thuật chăn nuôi của dự án còn thường xuyên đến thăm khám bệnh cho bò, phối tinh nhập ngoại giúp nâng cao chất lượng đàn bò giống, hướng dẫn xử lý chất thải bò sao cho giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi bò nên bản thân bà Thy cũng có thời gian nhàn rỗi để phát triển thêm kinh tế cho gia đình từ các công việc khác.

Dự án phát triển chăn nuôi nuôi bò trên 2.200 tỷ đồng

Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện dự án phát triển chăn nuôi nuôi bò giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự án lên đến trên 2.200 tỷ đồng.

Nhờ dự án nuôi bò trên 2.000 tỷ đồng, nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập bền vững - Ảnh 3.

Dự án phát triển chăn nuôi nuôi bò ở Sóc Trăng đến trên 2.200 tỷ đồng. Ảnh: CTV

Đây là dự án phát triển chăn nuôi bò quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL, với mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, giúp bà con nông dân, đặc biệt là người dân tộc Khmer nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Theo Ban quản lý dự án, người dân có quyết tâm cao trong mô hình chăn nuôi bò tăng thêm thu nhập, thêm vào đó phía dự án cũng đó đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao qua nhiều năm nên mang hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ dự án nuôi bò trên 2.000 tỷ đồng, nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập bền vững - Ảnh 4.

Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi là nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp. Ảnh: CTV

Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi là nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp, ước tính lên tới khoảng 2,12 triệu tấn/năm có thể làm thức ăn cho bò. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển lên thành quy mô trang trại, tiếp tục nâng cao chất lượng đàn bò thịt, bò sữa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nguồn tinh bò ngoại nhập.

Ông Trần Văn Đốm - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Địa phương có nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp để bà con nông dân tận dụng trong chăn nuôi bò, từ đó kéo giảm được chi phí khá lớn".

Theo kế hoạch của dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2025, tỉnh này sẽ có 77.000 con bò thịt (bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 con), sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm.

Đối với bò sữa, đạt 11.000 con (bình quân mỗi hộ nuôi từ 5-6 con), sản lượng sữa tươi đạt 20.000 tấn/năm, năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ.

Lượng bò thịt và bò sữa nói trên sẽ giúp giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn.