Dân Việt

Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc

N.An 09/01/2024 19:09 GMT+7
Hà Nội sẽ nỗ lực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2023-2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn truy xuất nguồn gốc.

An toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc

Ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia, hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Một số chủ cơ sở còn sắp xếp hàng hóa lộn xộn, để thức ăn chín xen lẫn với thức ăn tươi sống, chưa bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo, kinh doanh online các mặt hàng thực phẩm diễn ra phức tạp, khó kiểm soát về nội dung quảng cáo, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao, nhất là sản phẩm bán tại chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc- Ảnh 1.

Khách hàng thực hiện quét mã truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong siêu thị. Ảnh: P.V

"Nhìn chung, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã đi vào nền nếp. Qua đó, kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm gây mất an toàn thực phẩm, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt".

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng

Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thuộc thành phố cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Hơn 96% mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn

Thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn để kiểm soát chất lượng nông sản từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín - Bùi Công Thản, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, như: Sản xuất rau an toàn diện tích 545ha; 1.159ha nuôi trồng thủy sản; sản xuất lúa hàng hóa 1.745ha... Huyện cũng xây dựng và phát triển được 14 mô hình liên kết chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Cùng với việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm.  Thời gian qua, địa bàn TP. Hà Nội từ các quận, huyện, xã, phường đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nông sản, thực phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra và nhiều cơ sở vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc- Ảnh 2.

TP. Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dài hạn.

Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký. Theo đó, nội dung kế hoạch nêu rõ quan điểm bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025 phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm; phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm,…


Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc- Ảnh 3.

An toàn thực phẩm phải gắn với truy xuất nguồn gốc rõ ràng

Giai đoạn 2026-2030, duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm; duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm,…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 7 nhóm giải pháp và một số nhiệm vụ chính như: Quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản;

Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở ứng dụng, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.

Đánh giá về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội - Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, các đơn vị của Sở NNPTNT Hà Nội đã khuyến khích, hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn, như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao (sản xuất măng tây hữu cơ), cây dược liệu (cúc chi)...

Cùng với đó, phát triển, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS), đã làm tăng giá trị sản xuất rau an toàn, cao hơn các vùng sản xuất thông thường khác từ 10 - 20%. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã tổ chức lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, hiện đã có kết quả 658 và 204 mẫu chờ kết quả phân tích; trong đó có 632 mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%)... Qua công tác giám sát đã kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ về an toàn thực phẩm; các ngành chức năng đã ban hành văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại cơ sở có mẫu vi phạm.