Giảng viên là cán bộ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, các huyện, xã (những người đã tham gia khóa đào tạo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức) đã trực tiếp trao đổi với gần 100 hội viên nông dân các kiến thức về tổng quan phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế.
Kỹ thuật nuôi trùn quế thực hiện qua 7 bước cụ thể: Chuẩn bị chuồng nuôi, chọn trùn giống và thả vào chuồng, đổ đầy thức ăn sau khi thả trùn giống, che phủ chuồng nuôi, cho trùn quế ăn, kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ, thu hoạch trùn quế.
Mục đích nuôi trùn quế nhằm xử lý chất thải nông nghiệp (phân vật nuôi) thành thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, bởi trùn quế chứa 17 loại axit amin, khoáng chất, hóc môn tăng trưởng tự nhiên. Ngoài ra, phân trùn quế là loại phân hữu cơ chất lượng cao, cải tạo đất kém màu mỡ, nhờ đó giúp người nông dân tăng thêm thu nhập.
Ông Bùi Văn Hùng, nông dân xã Gia Phú (huyện Gia Viễn) tham gia lớp tập huấn cho biết: "Sau khi được tập huấn, tôi thấy nuôi trùn quế khá đơn giản, vừa xử lý được phân vật nuôi, vừa tạo ra thức ăn giá trị cho lợn, gà...Đặc biệt, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang tăng ở mức cao, gia đình tôi lâu nay nuôi mấy con bò, tôi sẽ về áp dụng ngay kỹ thuật này".
Thông qua các lớp tập huấn, giúp hội viên nông dân biết cách phân loại rác thải hữu cơ, áp dụng kỹ thuật chuyển đổi chất thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế hộ gia đình.