Nuôi con ăn bẩn mà làm ra toàn tiền sạch chính đáng, anh nông dân Tuyên Quang phát tài

Thứ bảy, ngày 29/04/2023 05:14 AM (GMT+7)
Vượt qua hơn 1 km đường đất nhỏ, gập ghềnh, anh Dũng (xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) chở tôi đến khu chăn nuôi giun quế của anh. Anh bảo, để có được khu chăn nuôi giun quế, nuôi bò ổn định như hiện tại, anh đã vượt qua 2 lần thất bại do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và do thiên nhiên không ưu ái.
Bình luận 0
“Điều đáng quý ở anh Dũng là sau nhiều năm khởi nghiệp bằng nuôi giun quế và có nguồn thu nhập ổn định, anh đã tự nguyện đem hết những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho nhiều thanh niên có cùng chí hướng”. Đó là chia sẻ của anh Triệu Khắc Điệp, Bí thư Đoàn xã Phú Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) khi nói về anh Lý Văn Dũng, dân tộc Dao, Bí thư Chi đoàn thôn Yên Bình.

Vượt chông gai

Vượt qua hơn 1 km đường đất nhỏ, gập ghềnh, anh Dũng chở tôi đến khu chăn nuôi giun quế của anh. Anh bảo, để có được khu chăn nuôi ổn định như hiện tại, anh đã vượt qua 2 lần thất bại do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và do thiên nhiên không ưu ái. 

“Thất bại ở đâu mình sẽ làm lại ở đó. Mỗi lần thất bại lại cho mình thêm những bài học, kinh nghiệm mà không sách vở nào có thể mang lại được”, nghĩ thế nên anh quyết tâm phải làm bằng được. 

Năm 2018, anh Dũng bắt đầu mới mô hình nhỏ, khi diện tích khu chăn nuôi chỉ vỏn vẹn 10 m2. Khu vực nuôi giun quế được anh dựng bằng khung nứa, lợp mái cọ để tiết kiệm chi phí. 

Anh chia sẻ, giun quế là loại khá dễ tính, chỉ cần hiểu được tập tính, chăm sóc đúng kỹ thuật thì nó sẽ mang lại nguồn kinh tế rất cao. Tuy nhiên, “quả ngọt” chưa được hái thì anh đã phải nhận thất bại đầu tiên. Một trận mưa lớn, kéo dài đã khiến khu nuôi giun quế của anh bị ngập nước. 

Giun bò ra ngoài và chết phân nửa. Những con còn sống thì cũng yếu, không đảm bảo sinh sản. Gạt nước mưa, nuốt nước mắt vào lòng, anh mua thêm giun, gia cố lại khu vực nuôi. Tuy nhiên, lần thứ 2 cũng với cùng lý do mưa lớn, nước từ trên mái dội xuống và từ bể nước tràn ra khu vực nuôi giun gần như đã đánh gục ý chí của anh.

Nuôi con ăn bẩn mà làm ra toàn tiền sạch chính đáng, anh nông dân Tuyên Quang phát tài - Ảnh 1.

Anh Lý Văn Dũng, thôn Yên Bình, xã Phú Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) ủ thức ăn cho bò. Phân bò thu được anh dùng nuôi giun quế.

Sau hơn 1 tuần thất vọng, buồn chán, nhận được sự động viên của gia đình, bạn bè anh Dũng vực lại tinh thần, quyết tâm làm lại từ đầu. Anh được tổ chức Đoàn hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120).

Có vốn, anh mở rộng và xây dựng khu nuôi giun quế kiên cố, mái lợp tôn. Giun quế được anh nuôi theo hai phương pháp là nuôi ăn nổi và nuôi ăn chìm. Để có nguồn phân nuôi giun quế, anh đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Có thời điểm đàn bò của anh lên đến 20 con. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, anh Dũng cũng đã đầu tư mua máy ép phân giun quế đóng gói 1 kg và gói lưới nhỏ xuất bán ra thị trường.

Trái ngọt cho người biết cố gắng

Để theo được nghề nông chắc chắn bản thân phải thực sự đam mê. Đam mê xuất phát từ trong máu thịt thì mới dành trọn công sức, tâm huyết vào công việc. 

Anh Dũng bắt đầu ngày mới khi trời còn tờ mờ và kết thúc công việc khi mặt trời đã lặn tại khu chăn nuôi. Việc cho bò ăn, thu gom phân bò ủ thành thức ăn cho giun quế, dọn dẹp khu chăn nuôi đã trở thành niềm vui tự lúc nào, ngày nào không được làm là anh lại bồn chồn, lo lắng không yên.

Nuôi con ăn bẩn mà làm ra toàn tiền sạch chính đáng, anh nông dân Tuyên Quang phát tài - Ảnh 2.

Nuôi bò để lấy nguồn cung cấp thức ăn cho giun quế.

Nhờ sự cố gắng, chăm chỉ, anh Dũng đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi giun quế. Năm 2022, anh xuất bán được 6 con bê, khoảng 40 tấn phân giun quế, hơn 5 tạ giun cấp đông, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi giun quế cho gần 20 hộ trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang. 

Thông qua trang Zalo, Facebook nhiều người ở các tỉnh như: Hà Giang; Hà Nội; Vĩnh Yên; các xã Phú Bình, Yên Lập, Kiên Đài, Ngọc Hội tìm đến anh để mua con giống, học hỏi kỹ thuật.

Anh Hứa Văn Công, thôn Khun Vai, xã Phú Bình đã được anh Dũng hỗ trợ giống, kiến thức để nuôi 15 m2 giun quế. 

Hiện tại, anh Dũng cũng đang hướng dẫn anh Công thu hoạch lứa phân đầu tiên. Anh Công cho biết, khi quyết định nuôi giun quế, anh được anh Dũng hướng dẫn cách xây dựng khu nuôi, cách ủ thức ăn và cách chăm sóc sao cho đảm bảo các điều kiện sống và phát triển của giun quế một cách tốt nhất. 

Có khó khăn hay vướng mắc nào, anh đều được anh Dũng hướng dẫn nhiệt tình bất kể ngày hay đêm.

Bên cạnh nuôi bò, nuôi giun quế, anh Dũng còn trồng hơn 2.000 gốc sơn hiện đang cho thu hoạch. Dự kiến trong năm 2023, anh sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm 2.000 gốc sơn. Mô hình kinh tế của anh Dũng hiện đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm 2022, tổng thu nhập của anh đạt trên 300 triệu đồng. Thu nhập đó so với điều kiện sống ở xã còn nhiều khó khăn như Phú Bình là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Nuôi con ăn bẩn mà làm ra toàn tiền sạch chính đáng, anh nông dân Tuyên Quang phát tài - Ảnh 3.

Anh Dũng Đầu tư máy ép phân giun quế đưa ra thị trường đa dạng các sản phẩm từ phân giun quế.

Anh Triệu Khắc Điệp, Bí thư Đoàn xã Phú Bình cho biết, mô hình kinh tế nuôi giun quế của anh Dũng là mô hình kinh tế tiêu biểu của đoàn viên, thanh niên tại xã. Đã có nhiều đoàn viên được anh Dũng hỗ trợ thực hiện nuôi giun quế tại nhà. Điều đáng quý là sau nhiều năm khởi nghiệp bằng nuôi giun quế và có nguồn thu nhập ổn định, anh đã tự nguyện đem hết những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho nhiều thanh niên có cùng chí hướng.

Bí thư Chi đoàn Yên Bình Lý Văn Dũng cười ngượng nghịu bảo, mình đi lên từ hai bàn tay trắng, hơn ai hết, bản thân mình thấu hiểu những khó khăn của bạn trẻ khởi nghiệp như thế nào nên chỉ hy vọng giúp đỡ, ủng hộ phần nào các bạn trong con đường gian nan phía trước thôi.

Thu Trang (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem