Đột phá mở đường hợp tác du lịch Việt Nam và Ả-rập Xê-út
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều ngày 19/10, tại trụ sở Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út đã diễn ra lễ ký "Chương trình hành động trong lĩnh vực du lịch" giữa Bộ VHTTDL và Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út. Ngay sau lễ trao, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc song phương với Công chúa Haifa bint Mohammed Al-Saud, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út.
Là một trong những quốc gia lớn nhất tại khu vực Trung Đông, sau khi khởi động Chương trình tầm nhìn 2030 vào năm 2016 hướng tới việc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, tăng cường đa dạng kinh tế, xã hội và văn hóa, Ả-rập Xê-út đặt ra mục tiêu đến năm 2030 thu hút hơn 100 triệu khách du lịch, đưa du lịch trở thành nguồn thu lợi nhuận lớn thứ hai của quốc gia – chỉ đứng sau dầu mỏ.
Tháng 9/2019, Ả-rập Xê-út chính thức triển khai visa du lịch. Kể từ đó, du lịch Ả-rập Xê-út đã có những bước phát triển rất tích cực. Năm 2022, bốn năm sau khi mở cửa cho khách du lịch quốc tế, lợi nhuận thu được từ ngành du lịch của Ả-rập Xê-út là 49,3 tỷ USD. Cũng trong năm 2022, lượng khách du lịch tại Ả-rập Xê-út lên tới hơn 90 triệu khách bao gồm cả khách nội địa và quốc tế.
Tại buổi làm việc, chia sẻ về tình hình phát triển du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam có bề dày về truyền thống, văn hóa với nhiều di tích văn hóa, lịch sử được UNESCO vinh danh, nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình… Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực du lịch, đã xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, chính sách quan trọng để thúc đẩy du lịch, với mong muốn đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Sau hai năm gần như "tê liệt" vì dịch bệnh, du lịch Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ. Là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực chính thức "mở cửa" hậu Covid 19, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên gần 9 triệu. Việt Nam cũng đạt được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng về du lịch, đồng thời các chỉ số cạnh tranh về du lịch Việt Nam được các tổ chức thế giới xếp hạng cao...
Đề cập đến việc triển khai Chương trình hành động mới ký kết, Bộ trường Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị du lịch Halal phù hợp với thị hiếu khách du lịch đến từ cộng đồng các nước Hồi giáo, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến du lịch Việt Nam tại các thị trường Halal như Ả-rập Xê-út.
"Ngay sau buổi làm việc với Bộ trưởng Ahmed A. Al-Khateeb tại Việt Nam, Bộ VHTTDL đã chủ động làm việc với các tập đoàn du lịch lữ hành lớn của Việt Nam để nghiên cứu lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch hướng tới du khách Ả-rập Xê-út," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Bộ trưởng VHTTDL cũng đề xuất Ả-rập Xê-út hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm hiểu về thị hiếu du khách và thị trường Halal, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về du lịch Halal… thông qua chuyển giao công nghệ, giới thiệu các thương hiệu nổi tiếng của Ả-rập Xê-út vào đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở lưu trú, đầu tư du lịch… Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL sẵn sàng làm đầu mối kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ả-rập Xê-út với các danh mục đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại các địa phương của Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp, đầu tư Ả-rập Xê-út tại một số địa điểm du lịch, danh thắng nổi tiếng, tiềm năng tại Việt Nam.
Công chúa Haifa bint Mohammed Al-Saud, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út đánh giá cao những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và khẳng định, Việt Nam và Ả-rập Xê-út chia sẻ cùng chí hướng, quyết tâm hành động để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước. Hiện Ả-rập Xê-út đang xem xét việc cấp visa điện từ cho du khách đến từ Việt Nam và sắp tới, Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út sẽ làm việc với các công ty du lịch, lữ hành trong nước để nghiên cứu, phát triển các gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách Việt Nam. Công chúa cũng cho biết, với mong muốn thúc đẩy trao đổi du lịch với Việt Nam thông qua đường hàng không trong thời gian tới, Ả-rập Xê-út hy vọng sẽ sớm thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước.