Sáng 23/9, Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Ba Vì đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Có 30 đơn vị tham gia với 2.235 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng.
Lao động Nguyễn Đình Thức (35 tuổi) làm nghề cơ khí cho biết, trước đây anh làm ở khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội). Mức lương khoảng 8-13 triệu đồng/tháng, tuy nhiên thời gian gần đây công việc khó khăn, việc ít, lương giảm nên anh quyết định nghỉ việc về quê huyện Ba Vì tìm kiếm việc làm.
Anh Thức nói: “Tôi mong muốn tìm được một công việc gần nhà có thể thu nhập thấp một chút nhưng không phải đi thuê nhà, gần vợ con để ổn định cuộc sống”.
Trong buổi sáng anh nộp 3 bộ hồ sơ, đã phỏng vấn 2 công ty và 1 công ty đồng ý tiếp nhận anh vào làm việc với mức lương là 6 triệu đồng/tháng (lương thử việc). Nếu được nhận chính thức, anh Thức sẽ được trả lương cứng là 7 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền tăng ca.
Tham dự phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Tây Nam – Phó giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội khẳng định việc tổ chức phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động. Ông Nam nhấn mạnh: “Nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, 9 tháng qua, thành phố đã giải quyết việc làm cho 171.228 lao động, đạt 105,7% kế hoạch năm”.
Bên cạnh hoạt động giao dịch về việc làm, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động, Ban tổ chức Phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì năm 2023 còn triển khai các hoạt động tư vấn du học, cung cấp thông tin về các chỉ tiêu, thị trường xuất khẩu lao động; tư vấn việc làm, hướng nghiệp học nghề...
Đây là lần thứ hai trong năm 2023, phiên giao dịch việc làm lưu động diễn ra tại huyện Ba Vì, tạo điều kiện tối đa cho người lao động trên địa bàn và khu vực lân cận tiếp cận được thông tin tuyển dụng và cơ hội việc làm. Tham gia phiên giao dịch huyện Ba Vì lần 2 này có 30 doanh nghiệp, đăng ký tuyển 2.235 chỉ tiêu, trong đó có tới 1.695 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động, còn lại là chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, trong 30 doanh nghiệp tham gia, có 11 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động, chiếm tỷ lệ lớn nhất (36,7%). Còn lại là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, sản xuất, may mặc, giáo dục...
Theo báo cáo tổng hợp của phiên, các đơn vị đăng ký tham gia tuyển dụng lần này có mức thu nhập tương đối.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất là các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng với 573 chỉ tiêu tuyển dụng (chiếm tỷ lệ 33,8% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng), phù hợp các vị trí việc làm ổn định, như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề… Các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng có 306 chỉ tiêu (chiếm 20,2%), dành cho các vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian, dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí công việc tập sự, đơn giản chưa yêu cầu chuyên môn cao.
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua phiên giao dịch việc làm lần này, hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Sàn giao dịch việc làm huyện Ba Vì tiếp tục được nâng cao, góp phần thúc đẩy thị trường lao động của thành phố phát triển, giúp người lao động tìm được việc làm, nơi học nghề phù hợp với nguyện vọng và năng lực trong thời gian sớm nhất.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết thời gian qua trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động ở các quận huyện. Đặc biệt, sàn giao dịch việc làm huyện Ba Vì đã tham gia tích cực vào hầu hết các phiên giao dịch việc làm và trở thành sàn giao dịch vệ tinh quan trọng của trung tâm. Điều này đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với việc giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, kết nối việc làm.
"Từ khi thành lập đến nay, sàn giao dịch việc làm vệ tinh Ba Vì đã tổ chức 805 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 1.965 doanh nghiệp; số lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến là 10.957 người, trong đó lao động đã trúng tuyển là 3.967 người", ông Thành thông tin.