Từ đó đến nay, người dân xã Mỹ Lung nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung luôn nỗ lực gìn giữ và xây dựng thương hiệu cho lúa nếp Gà gáy-loại sản phẩm nông sản quý này.
Thời vụ trồng lúa nếp Gà Gáy từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Ảnh: baophutho.vn
Những năm gần đây, huyện Yên Lập đã tạo điều kiện thuận lợi để xã Mỹ Lung thành lập Hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phát triển thương hiệu hàng hóa gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung.
Hiện nay, từ các ứng dụng điện tử, hợp tác xã đã đẩy mạnh quảng bá qua các kênh thông tin trên mạng facebook, zalo, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm....
Huyện cũng tổ chức cho bà con tại địa phương tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Năm 2019, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đoạt Cúp Vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Gạo nếp Gà gáy ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và được sử dụng với số lượng lớn trong dịp Tết Nguyên đán của dân tộc.
Năm 2021, sản phẩm gạo nếp Gà gáy của huyện Yên Lập được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 tại Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 với nội dung “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của tỉnh Phú Thọ”.
Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung cho biết, là đầu mối cung cấp giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho bà con, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, mua máy móc nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Từ đó, tăng thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.
Bên cạnh đó, để tạo niềm tin trên thị trường, sản phẩm gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung được hợp tác xã đóng gói vào bao bì có trọng lượng 2kg/túi và 5kg/túi với họa tiết in 6 màu có logo, cúp vàng và giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019; có hướng dẫn sử dụng, địa chỉ, đơn vị sản xuất đóng gói, mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Nếp Gà gáy Mỹ Lung hiện không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do thấy được lợi ích từ đặc sản gạo nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân ở xã Mỹ Lung tham gia trồng trọt, sản phẩm tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, ở xã Mỹ Lung có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy.
Xã có khoảng hơn 80ha diện tích gieo cấy nếp Gà gáy Mỹ Lung, năng suất trung bình đạt từ 120 - 150 kg/sào, tương đương từ 3 - 4 tấn/ha. Giá bán gạo nếp Gà gáy trung bình từ 50.000 - 55.000 đồng/kg; doanh thu trung bình đạt hơn 90 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các giống lúa khác.
Mặc dù nếp Gà gáy hứa hẹn tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương nhưng thời gian qua việc sản xuất vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với thương hiệu.
Hiện nay, gạo nếp Gà gáy đã được hợp tác xã sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ tại siêu thị và đại lý trên địa bàn tỉnh cùng một số tỉnh, thành lân cận.
Với doanh thu từ gạo nếp Gà gáy hằng năm ước đạt trên 2 tỷ đồng đã giúp các thành viên của hợp tác xã sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy và người dân xã Mỹ Lung vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nếp Gà gáy là đặc sản quý lâu đời của người Mường xã Mỹ Lung bởi hương vị của gạo rất thơm ngon, độc đáo.
Xôi nếp đồ từ loại gạo này dẻo, bùi, càng nắm càng dẻo, càng không dính tay. Lúa nếp Gà gáy là giống lúa dài ngày nên việc trồng và chăm sóc cũng khó hơn nhiều so với các loại lúa khác. Thân cao khoảng trên 1,5m, có mùi hương thơm đặc trưng vào thời điểm lúa chín.
Lúa nếp Gà gáy không được gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng phương pháp hái nhắt bằng tay. Lúa được bó thành từng “cum” rồi gánh về phơi.
Khi những “cum” lúa đã săn, người dân nơi đây không đem đi suốt mà cho vào bao hoặc treo lên gác bếp. Hạt thóc khi xát ra nhìn nửa trắng, nửa trong, tỏa hương thơm dịu.
Nhằm tiếp tục phát triển, mỏ rộng sản xuất nếp Gà gáy Mỹ Lung, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tôn, phát triển giống lúa này.
Mới đây, UBND huyện Yên Lập phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Bảo Quang Minh tổ chức hội nghị tổng kết mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ tại xã Mỹ Lung.
Mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy vụ Mùa năm 2023 được hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỹ Lung triển khai trên tổng diện tích 24ha với 125 hộ tham gia.
Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,8 tỉ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ sau đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 468 triệu đồng.
Mô hình sử dụng các loại phân bón vi sinh và chế phẩm sinh học do Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Bảo Quang Minh sản xuất, hỗ trợ thực hiện. Sau hơn năm tháng triển khai, mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao.
Năng suất bình quân đạt khoảng 152kg/sào, tương đương gần 41 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 12kg/sào, tương đương 3,2 tạ/ha.
Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đạt gần 1,1 triệu đồng/sào, tương đương 29,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 320 nghìn đồng/sào, tương đương 9,7 triệu đồng/ha. Lợi nhuận thu được từ mô hình dự kiến đạt khoảng 722 triệu đồng.
Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất vô cơ còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường nông thôn và hệ sinh thái đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước do không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Năm 2010, sản phẩm lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy theo phương thức hữu cơ tại xã Mỹ Lung góp phần thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào vùng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị lãnh đạo huyện Yên Lập có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ đối với nhiều loại cây trồng khác trên toàn huyện nói chung và nếp Gà gáy nói riêng theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn bà con kỹ thuật chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập...