Dân Việt

Đẩy mạnh khôi phục làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền

Trần Đáng 22/10/2023 15:18 GMT+7
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 với nhiều giải pháp nhằm khôi phục làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.
Đẩy mạnh khôi phục làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền - Ảnh 1.

Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) tồn tại hơn nửa thế kỷ vẫn chưa được công nhận làng nghề truyền thống theo Nghị Định 52 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: T.Đ

Cụ thể, để khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, Chính phủ sẽ cho sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề.

Đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi, xác định bảo tồn là chính; tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động "trình diễn" nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.

Bên cạnh đó, đối với những nghề, làng nghề có khó khăn, sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đối với đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề, theo đó các nghệ nhân, người lao động tại làng nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực theo quy định hiện hành.

Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường; khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động.

Hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh.

Phát triển mô hình liên kết giữa các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Mặc dù hiện nay tại TP.HCM có khá nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động, có những làng nghề tồn tại cả trăm năm, nhưng cho đến nay, TP chưa có làng nghề truyền thống được công nhận theo Điều 4 Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển làng nghề truyền thống.

Về nguyên nhân, Sở NNPTNT TP lý giải, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn TP, số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn dần dần chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định hơn, do đó không đảm bảo được các tiêu chí về công nhận nghề truyền thông, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP cua Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn tồn tại nhiều khó khăn, do sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, nên bà con không tha thiết giữ nghề…

Đẩy mạnh khôi phục làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền - Ảnh 3.

Tại cơ sở sản xuất bánh tráng của Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Sở NNPTNT TP đề nghị, Trung ương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đãi ngộ cụ thể đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống khi được công nhận theo quy định Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ để làm động lực cho các địa phương lập hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Về việc triển khai thực hiện QĐ 801/QĐ-TTg của Chính phủ, TP.HCM đã giao các chính quyền TP.Thủ Đức và quận, huyện trên địa bàn thống kể các ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương và lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP và các quy định, hướng dẫn có liên quan hiện hành trình UBND TP xét công nhận.