TP.HCM hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn kinh tế tập thể
TP.HCM hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập người dân
Trần Đáng
Thứ năm, ngày 19/10/2023 15:37 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2022 - 2025, gắn với kinh tế tập thể.
Cụ thể, TP.HCM sẽ hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn kinh tế tập thể qua việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3065/QĐ-UBND của UBND TP, trong đó hỗ trợ cho cơ sở ngành nghề nông thôn là các HTX, THT.
Theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng hỗ trợ là thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể…
Điều kiện hỗ trợ là được tổ chức kinh tế tập thể, đơn vị chủ quản cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của đơn vị; đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực và trình độ phù hợp với khóa học.
Đối với trường hợp cử đi đào tạo dài hạn, ngoài việc đáp ứng các điều kiện trên, đối tượng được hỗ trợ phải dưới 50 tuổi và cam kết bằng văn bản làm việc trong khu vực kinh tế tập thể ít nhất gấp đôi thời gian tham gia khóa đào tạo; chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với Nhà nước trong trường hợp không thực hiện cam kết.
Về nội dung hỗ trợ đào tạo, đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể, học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở…
Về bồi dưỡng đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể, chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức nhà nước...
Đối với việc hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể, sẽ hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học khi về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.
Về nguồn kinh phí và mức hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nong thôn gắn với kinh tế tập thể, đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể, ngân sách địa phương bảo đảm 100% kinh phí trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Đối với công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, liên minh HTX, các hiệp hội, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, giảng viên, ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí.
Về bồi dưỡng, đối với thành viên, người lao động tổ chức kinh tế tập thể, ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí đi lại, tổ chức lớp học và mua tài liệu học tập; hỗ trợ 100% chi phí ăn ở đối với các tổ chức kinh tế tập thể nằm trong vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với các vùng khác sẽ hỗ trợ 90% đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% đối với các tổ chức kinh tế tập thể khác.
Đối với lao động trở về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể, ngân sách địa phương hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 3 năm/người, tối đa 2 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm…
Mục tiêu của Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2022 – 2025, gắn với kinh tế tập thể là góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.