Theo đó, về quan điểm, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề; đẩy nhanh công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch; khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn địa phương và quốc gia, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề.
Về giải pháp, sẽ rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Việt Nam.
Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề.
Đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi xác định bảo tồn là chính; tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động "trình diễn" nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.
Về giải pháp, sẽ xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và địa phương.
Trong tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề truyền thống.
Đồng thời, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch xây dựng các tuyến, điểm, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch gắn với các làng nghề.
Tại TP.HCM, việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch đã được TP triển khai thông qua thông qua việc triển khai thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó UBND TP, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND TP lồng ghép nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với làng nghề vào kế hoạch, chương trình phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch làng nghề của TP; hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình du lịch kết nối với làng nghề.