Dân Việt

Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Chuyên gia nói thẳng lý do nên bỏ

Nguyễn Thịnh 23/10/2023 16:47 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia giao thông hay luật sư đều cho rằng nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc ở thời điểm này.

Hiện nay, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ, chủ xe cơ giới bao gồm cả xe máy khi tham gia giao thông phải có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực. 

Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Chuyên gia nói thẳng lý do nên bỏ - Ảnh 1.

Có nên bảo hiểm xe máy bắt buộc? Ảnh Viết Niệm.

Nếu vi phạm thì chủ xe cơ giới có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (theo điểm a khoản 2 điều 21 Nghị định số 03/VBHN/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới).

Trả lời Dân Việt, chuyên gia giao thông Quang Anh nói: "Câu chuyện là thực tế đang có bao nhiêu người sở hữu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) tham gia bảo hiểm. Bản thân tôi cách đây hơn 10 năm từng có va quệt khi tham gia giao thông và có bị gãy chân nhưng vấn đề bồi thường không được xử lý đúng và kịp thời".

Trước câu hỏi có nên bỏ bảo hiểm bắt buộc, ông Quang Anh trả lời thẳng: "Theo quan điểm của tôi, thời điểm này nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc. Bởi vì mỗi người đều đang có bảo hiểm y tế, ngoài ra rất nhiều doanh nghiệp cũng có bảo hiểm bên ngoài cho người lao động. Khi bị tai nạn hay chấn thương, chúng ta đã có bảo hiểm.

Với xe máy, câu chuyện bảo hiểm vật chất (thân vỏ) cũng chưa có rõ ràng bởi giá trị xe thấp".

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng Tinh Thông Luật cho biết: "Theo quan điểm cá nhân tôi thì quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy nên được xóa bỏ và có thể chuyền thành bảo hiểm tự nguyện".

Ông Bình nêu ra các lý do: Thứ nhất, thực tế cho thấy, các chủ xe mua bảo hiểm bắt buộc chủ yếu để đối phó, xem như là thực hiện nghĩa vụ khi tham gia giao thông hơn là nghĩ tới bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình và người khác.

Thứ hai, đối với những vụ tai nạn không quá nghiêm trọng, các chủ xe thường tự thỏa thuận với nhau, họ bỏ tiền túi của mình ra để bồi thường hơn là thông báo và chờ xác nhận của bên bảo hiểm.

Thứ ba, các trình tự, thủ tục bồi thường bảo hiểm vẫn còn phức tạp, khó khăn cho các chủ xe như hồ sơ về tai nạn, điền tờ khai, xác định bên vi phạm, giám định thiệt hại, .... sau đó mới thực hiện bồi thường bảo hiểm.

Thứ tư, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn khá thấp. Trong 9 tháng cuối năm 2022, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đạt khoảng 1.077 tỷ đồng trong khi số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho xe máy 27 tỷ đồng và chỉ chiếm 2,5% (theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài Chính trong cuộc họp báo quý 4 năm 2022 ngày 09/01/2022).

Thứ năm, khi có tai nạn, nhiều trường hợp chủ xe có thông báo nhưng có trường hợp bên bảo hiểm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Ngoài ra, một số nhân viên bảo hiểm cũng chưa có đủ trình độ, chuyên môn và thẩm quyền để làm thủ tục bồi thường bảo hiểm, gây mất quyền lợi của các chủ xe.