Ngày 24/10, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Quảng Nam (24/10/2003 - 24/10/2023).
Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh trong diễn văn kỷ niệm, vào ngày này cách đây 20 năm, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 532-QĐ/HND ngày 24/10/2003 về việc thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân (gọi tắt Trung tâm), trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam.
Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự ra đời một đơn vị sự nghiệp công lập của tổ chức Hội Nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam.
"Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã trải qua 3 lần đổi tên để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tháng 11/2013 theo phân cấp quản lý từ Trung ương Hội Nông dân chuyển giao về UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận và được UBND tỉnh quyết định đổi tên từ "Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân" thành "Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân" trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam.
Đến tháng 7/2022, để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân", bà Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lê Thị Minh Tâm, giai đoạn đầu đi vào hoạt động, để phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, năm 2009, BTV Hội Nông dân tỉnh định hướng cho trung tâm tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.
Từ đó đến nay, trung tâm tiếp tục mở rộng hoạt động liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển giao các tiến bộ, khoa học, kỷ thuật trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho nông dân; năm 2022 tiếp tục triển khai đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của chính phủ giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến nay, trung tâm đã trực tiếp và phối hợp đào tạo cho hàng trăm lớp nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho hàng chục ngàn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh ở cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tỷ lệ người đã qua đào tạo có việc làm đạt trên 80%.
Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2015 - 2018, thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai tư vấn, tuyên truyền tạo nguồn xuất khẩu lao động theo các tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu của các đối tác có chức năng làm xuất khẩu lao động tại TP. HCM, Hà Nội.
Qua 3 năm thực hiện, trung tâm đã giới thiệu cho các công ty có chức năng xuất khẩu lao động xuất cảnh sang Nhật Bản, Hàn Quốc trên 200 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp và các nhà cung ứng phân bón triển khai chương trình phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có hàng trăm ngàn hội viên nông dân ở 130 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Trung bình mỗi năm, trung tâm cung ứng trên 6.000 tấn phân bón Bình Điền, Sao Việt, Mặt Trời Mới, Sông Gianh cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, qua 3 vụ triển khai mô hình chuỗi giá trị sản xuất giống lúa ST 25 sử dụng phân bón hữu cơ tại phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn đã cho kết quả năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, được đông đảo hội viên nông dân tại phường Điện Minh nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Hiện nay, trung tâm đang làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép xây dựng thương hiệu gạo Xứ Quảng tại Quảng Nam…
Ngoài ra, hằng năm, trung tâm còn cung ứng trên 10.000 cây giống ăn quả có chất lượng cho hội viên nông dân.
"Các hoạt động của trung tâm được triển khai trên phương châm "đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất", "chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ" trước tổ chức Hội và hội viên.
Trung tâm luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu trong quá trình cung ứng các dịch vụ hỗ trợ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên nông dân đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia.
Kết quả này ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của trung tâm và là cánh tay nối dài của tổ chức Hội Nông dân tỉnh, thể hiện rõ chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân", bà Tâm chia sẻ.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân Quảng Nam là bệ đỡ của nông dân
Bà Lê Thị Minh Tâm nhấn mạnh thêm, những kết quả điển hình nêu trên đã cho thấy trung tâm đang ngày càng ổn định và trên đà phát triển, đời sống của cán bộ, nhân viên của Trung tâm được nâng lên đáng kể so với mặt bằng chung trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, từ năm 2018, trung tâm đã tự chủ tài chính 100% về chi thường xuyên. Đến năm 2020 UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính về chi thường xuyên cho trung tâm giai đoạn 2020-2022 với mức tự chủ 130,7%. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho trung tâm giai đoạn 2023-2025 với mức tự đảm bảo chi thường xuyên là 158%.
"Có thể nói, đây là nền tảng được tạo dựng từ tinh thần đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo trung tâm; những nỗ lực phấn đấu, không ngừng vượt khó của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm qua các thời kỳ", bà Tâm nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân; phát huy vai trò, vị thế và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, qua đó tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.
"Những thành quả đạt được như hôm nay rất đáng trân trọng, là nền tảng được tạo dựng từ tinh thần đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo Hội Nông dân.
Những nỗ lực phấn đấu, không ngừng vượt khó của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua các thời kỳ; là sự kết hợp hài hòa giữa bản lĩnh đổi mới, tinh thần sáng tạo với tri thức thời đại, khẳng định vị thế của một trong những đơn vị sự nghiệp công lập của tổ chức Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả, tự chủ hơn 100% về chi thường xuyên…", ông Bửu nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động hỗ trợ, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân luôn luôn đổi mới toàn diện, nắm bắt cơ hội, tháo gỡ những khó khăn, thách thức để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.