Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vào ngày 23/10.
Buổi tập huấn có sự tham gia của gần 100 đại biểu là thành viên của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh có bước đi nhanh, sớm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo ông Lý Việt Hưng, thực hiện chủ trương chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn đã triển khai trên các lĩnh vực ngành phụ trách nhằm ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, nâng cao năng suất lao động, lượng sản phẩm nông nghiệp và kết nối trực tiếp giữa sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp.
"Là cơ quan thường trực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, sau gần 5 năm triển khai, các sản phẩm OCOP Lạng Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, từng bước khẳng định được chất lượng, giá trị trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững" - ông Hưng cho biết thêm.
Đến tháng 10/2023, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 112 sản phẩm OCOP, trong đó gồm 19 sản phẩm OCOP 4 sao và 93 sản phẩm OCOP 3 sao. Việc đánh giá, phân hạng hiện nay theo phương pháp thủ công, không còn phù hợp với môi trường kinh tế số. Do vậy việc số hóa hồ sơ trong phân hạng đánh giá, quản lý sản phẩm OCOP là vô cùng cần thiết.
Khi tham gia số hóa hồ sơ, các chủ thể chỉ cần đăng ký tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ sản phẩm online theo hướng dẫn. Sau đó, các sản phẩm tham gia OCOP được các cơ quan chức năng đánh giá, chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí chính, gồm: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị, các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm. Kết quả chấm điểm sản phẩm OCOP sẽ là cơ sở để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh tiến hành chứng nhận, cấp sao cho sản phẩm.
Đặc biệt, đối với phần mềm số hóa các chủ thể, quản lý cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương đều có thể truy cập và nắm rõ lịch trình thực hiện của các chủ thể nên rất thuận lợi cho công tác quản lý.
Trước đây, nếu thực hiện theo Quyết định 148/QĐ-TTg, các chủ thể phải nộp 1 bộ hồ sơ giấy lên trên quản lý cấp huyện. Sau đó, quản lý cấp huyện sẽ tổ chức hội đồng chấm hồ sơ đó. Tuy nhiên, khi hồ sơ đã nộp đi rồi thì không thể bổ sung được nữa nên xảy ra bất cập. Còn đối với phần mềm chỉ là số hóa dữ liệu, quản lý địa phương vẫn cho phép trước giờ chấm, chủ thể được bổ sung hồ sơ mà không mất nhiều công sức đi lại.
Theo các chuyên gia, sử dụng phần mềm sẽ giúp việc phân hạng, đánh giá sản phẩm đảm bảo thông suốt ngay cả khi xảy ra một số dịch bệnh phức tạp và giúp công tác quản lý, tìm kiếm thông tin được thuận lợi hơn. Mặt khác, số hóa hồ sơ không chỉ giảm bớt thủ tục, dễ dàng tìm kiếm thông tin, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị hồ sơ, đánh giá sản phẩm của các cơ quan một cách hiệu quả, công khai và bền vững.
Đồng thời, khi áp dụng số hóa hồ sơ trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP sẽ giúp giải quyết một số hạn chế, khó khăn như: Lúng túng trong cách làm; đánh giá sản phẩm OCOP thiếu khách quan...
Bên cạnh đó, hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP rất dày, dài, yêu cầu rất nhiều giấy tờ chứng chỉ, quy trình sản xuất kèm theo, gây áp lực cho cá cơ quan chức năng và các chủ thể. Khi tổ chức họp Hội đồng, để đầy đủ 1 bộ hồ sơ, cấp huyện, cấp tỉnh phải tổ chức họp tổ giúp việc rà soát, họp hội đồng đánh giá với sự tham gia của 15-20 thành viên. Đi kèm với đó là kinh phí chuẩn bị, photo tài liệu cũng rất lớn. Đó là chưa kể đến công tác lưu trữ những bộ hồ sơ làm bằng giấy.
Với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, việc những sản phẩm OCOP tham gia vào dòng chảy kinh tế số là một điều tất yếu, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp.