Từ thế kỉ trước, người nông dân đã biết vận dụng mô hình VAC (vườn – ao - chuồng) để chủ động cung cấp lương thực - thực phẩm cho gia đình và phát triển kinh tế. Tuy nhiên trước đây, bà con trồng trọt, chăn nuôi kiểu tận dụng là chính, trong đó việc nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp.
Trước những đòi hỏi của nhu cầu thị trường và xu thế phát triển, những người cán bộ khuyến ngư đã sát cánh cùng bà con nông dân mở rộng ao nuôi cá, làm đầm nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, đẩy mạnh thâm canh, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đưa các loại giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Nếu trước đây, trong ao chủ yếu là các loại cá truyền thống, dễ nuôi như trắm, chép, mè, rô phi,… thì bây giờ lực lượng cán bộ khuyến ngư đã giúp bà con cập nhật nhanh các giống thuỷ sản mới, áp dụng các hình thức nuôi xen ghép, nhiều tầng, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Từ những vuông ao ở đồng bằng, vũng trũng, hay trên núi cao, hồ thuỷ điện, cửa sông cửa biển, vùng rừng ngập mặn…, nơi nào bà con cũng có thể biến mặt nước thành cỗ máy "nhả vàng".
Nhờ phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn mà nước ta không những đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản liên tục tăng sau mỗi năm (năm 1990 đạt 205 triệu USD, năm 2000 đạt 1,4 tỷ USD, năm 2010 đạt 5,03 tỷ USD, năm 2022 đạt trên 11 tỷ USD).
Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, đem lại việc làm ổn định và thu nhập cho người dân, trong đó có những dấu ấn không thể thiếu của lực lượng khuyến ngư.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định vai trò quan trọng của công tác khuyến ngư trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình điển hình trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường gắn với liên kết đầu vào – đầu ra…
Từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp tự túc, thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư mà nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã phát triển vượt bậc trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt. Đặc biệt, công tác khuyến ngư của các địa phương đang ngày càng gắn với yêu cầu của thị trường, nhờ đó đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản hiệu quả.
Trước năm 2009, đối tượng nuôi chính là cá rô phi, cá truyền thống nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, cung cấp thực phẩm tại chỗ, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Thời điểm đó, hoạt động khuyến ngư triển khai rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước thông qua các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn, các mô hình trình diễn…
Theo đó, khuyến ngư các tỉnh đã đào tạo, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 100.000 bà con nông ngư dân, tăng năng suất lên đến 20 lần, từ 500 kg cá/ha lên trên 10 tấn cá/ha, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn. Mô hình tiêu biểu giai đoạn này là Ao cá Bác Hồ, nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực, nuôi ghép cá truyền thống.
Thời kỳ này, Vụ Nghề cá, sau này là Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia (hiện nay là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đã xuất bản rất nhiều ấn phẩm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống thuỷ sản và quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng thuỷ sản.
Trong giai đoạn 15 năm (từ 1993 – 2007), lực lượng khuyến ngư cả nước đã xây dựng được hơn 9.000 mô hình trình diễn; nhập và chuyển giao hơn 70 công nghệ. Tổ chức được gần 28.000 lớp tập huấn cho gần 1,3 triệu lượt người tham gia…
Từ chỗ người nuôi chủ yếu áp dụng các phương thức nuôi truyền thống với thức ăn tự nhiên, với sự hỗ trợ của các dự án khuyến ngư, bà con đã mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất; áp dụng các kỹ thuật nuôi thâm canh, phòng trừ dịch bệnh tốt nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng nhanh. Năng suất nuôi bình quân hiện nay đạt 10-15 tấn/ha (gấp 2-3 lần so với nuôi quảng canh, truyền thống). Vùng ĐBSCL, nhiều hộ đạt năng suất nuôi cá tra, cá ba sa 200 - 300 tấn/ha/năm.
Có thể điểm qua một số chương trình/dự án khuyến ngư nổi bật giai đoạn này như các mô hình nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao thâm canh, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá tra, cá basa, cá chim trắng…
Từ năm 2010 đến nay, công tác khuyến ngư phát triển sang một giai đoạn mới, đó là tập trung, bám sát vào thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng bền vững. Đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành thủy sản có nhiều cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, theo đó, khuyến ngư đã quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình nuôi thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC… Các mô hình này đã góp phần phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá tra tại vùng ĐBSCL; nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ven biển…, tạo thành các vùng nguyên liệu lớn phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Khuyến ngư làm thay đổi nhận thức nông dân về nghề nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa. Thông qua hoạt động khuyến ngư, các địa phương đã đào tạo hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho bà con, đến nay 100% các hộ nuôi đã thay đổi hình thức nuôi lồng bằng vật liệu lồng lưới, inox, khung thép hoặc nhựa HDPE, phao nhựa… Đặc biệt nhiều nơi bà con đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá lồng bè, tiến tới chuyên nghiệp hơn trong các khâu giống, thức ăn, phòng trị bệnh cho tới liên kết tiêu thụ...
Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất từ 2-3 kg/m3 tăng lên trên 15 kg/m3, lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng/100m3, cao gấp 5-7 lần so với hình thức nuôi cũ, qua đó giúp ổn định đời sống kinh tế ngư dân, ổn định đời sống người dân các lòng hồ thuỷ điện, thủy lợi, trên sông, ao hồ…
Gần đây, nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt đã trở thành thương hiệu của khuyến ngư, như mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ "sông trong ao", mô hình nuôi xen ghép nhiều đối tượng trên một diện tích như cá – lúa, tôm – lúa,… Các mô hình này không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo…, thời gian qua chương trình khuyến ngư phát triển nuôi biển tập trung các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá song, cá giò, cá chim, nhuyễn thể, rong biển, tảo biển) hướng tới mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập, chuyển đổi nghề cho cộng đồng ngư dân ven biển giảm khai thác xa bờ; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, hầu hết các tỉnh có biển đều xác định phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở vùng ven biển.
Theo đó, khuyến ngư các địa phương đã đầu tư kinh phí thực hiện các mô hình điểm như nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, nuôi nhuyễn thể, cá biển, hay nuôi xen ghép tôm sú với cá + cua, ốc hương, rong biển… Để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh, khuyến ngư đã xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - rừng ngập mặn, giúp tăng hiệu quả hơn gấp 2-3 lần so với các ruộng chỉ trồng lúa trước đây.
Đáng chú ý, với kỹ thuật nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, công tác khuyến ngư đã góp phần giúp bà con rút ngắn thời gian nuôi tôm, tăng năng suất nuôi tôm lên 30 tấn/ha/năm. Nhờ đó, khuyến ngư đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu tôm năm 2022 lên 4,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới.
Công tác đào tạo, tập huấn khuyến ngư theo đó cũng bám sát yêu cầu mới của ngành nông nghiệp và thị trường theo hướng giúp bà con thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh/kháng sinh cho các đối tượng nuôi thủy sản; hướng dẫn bà con nuôi trồng theo đúng quy hoạch nhằm tổ chức lại sản xuất, cơ cấu vùng nuôi, cấp mã số vùng nuôi… Phương pháp, hình thức đào tạo cũng đổi mới hơn, ưu tiên tập huấn tại hiện trường, sử dụng video, các nền tảng số…
Cùng với các mô hình nuôi thủy sản ven bờ, thời gian qua khuyến ngư các địa phương cũng tích cực triển khai các mô hình nuôi cá lồng, bè trên biển, đảo nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế biển của Việt Nam, bám sát Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến thân thiện với môi trường, ứng dụng cơ giới hoá, sử dụng lồng chất liệu HDPE tăng khả năng chống chịu gió bão, hiệu quả gấp 2-3 lần, giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm từ nuôi biển đến năm 2025 đạt 1 tỷ USD với sản lượng 850.000 tấn.
Từ năm 2000 trở lại đây, nghề khai thác hải sản xa bờ đã được Chính phủ và các địa phương ven biển quan tâm hỗ trợ phát triển với rất nhiều cơ chế chính sách, trong đó hoạt động khuyến ngư đã hỗ trợ các đội tàu: Đồng bộ cơ giới hóa các trang thiết bị cơ khí trên tàu khai thác hải sản xa bờ; Kỹ thuật khai thác một số nghề vây, rê, chụp, câu...; Công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ (hầm bảo quản công nghệ PU, công nghệ máy tạo đá tuyết…), mô hình cải tiến ngư lưới cụ, thông tin dự báo ngư trường, máy dò cá, ứng dụng trang thiết bị hỗ trợ bảo đảm thông tin an toàn, máy dò cá, nhật ký điện tử, rada liên lạc…
Hiệu quả mô hình đã thể hiện rất rõ sau mỗi chuyến đi biển của ngư dân, đồng thời giúp bà con yên tâm bám biển, vươn khơi. Cụ thể, giúp nâng cao sản lượng khai thác từ 20-30% so với khi chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; Nâng cao thu nhập cho người lao động tăng ít nhất 5%. Giảm chi phí nhiên liệu sản xuất xuống 20% so với khi chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Nâng cao hiệu quả cho đội tàu khai thác hải sản xa bờ trên 5% so với năm trước; Nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm trên biển giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%.
Một số mô hình điển hình như ứng dụng công nghệ hầm bảo quản thuỷ sản; ứng dụng đèn led; tời thuỷ lực, nhật ký điện tử trong khai thác hải sản xa bờ…
Các mô hình khuyến ngư khai thác hải sản xa bờ giúp hình thành các ngư dân hiện đại với đội tàu lớn, hiệu quả kinh tế tăng hơn 20-30% so với nghề truyền thống, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 trên 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang bị Ủy ban châu Âu phạt "thẻ vàng" do liên quan đến đánh bắt khai thác bất hợp pháp, Khuyến ngư tiếp tục chú trọng tuyên truyền Luật Thủy sản, phổ biến cho bà con ngư dân mỗi khi ra khơi cần có giấy phép khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp; ghi, nộp nhật ký khai thác; tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển...