Dựng nhà màng, làm nông nghiệp mà không lo nắng, chẳng sợ mưa
Tới thăm khu vườn của bà Lê Thị Thảo (59 tuổi, trú tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An) ai cũng tấm tắc khen.
Trong vườn, bà Thảo trồng đủ thứ rau, củ, quả sạch. Khu vườn được quy hoạch chỉnh chu, thành từng thửa, luống.
Mỗi nơi trồng một thứ rau, củ khác nhau. Dưới bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, cả khu vườn xanh mướt, đẹp như phim, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Thảo.
Ít ai biết rằng để có được thành quả như ngày hôm nay, người phụ nữ ấy đã trải qua nhiều khó khăn. Đặc biệt thời điểm người chồng bị tai biến, các con đều đi làm ăn xa. Một mình bà Thảo vừa lo chăm sóc cho chồng, vừa lo kinh tế.
Trước đó, gia đình bà Thảo có 3 sào đất, chuyển đổi để phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng. Phía trên là diện tích chuồng nuôi lợn, bên cạnh là ao thả cá và một diện tích vườn để trồng rau.
Khi chồng lâm bệnh, không kham nổi công việc bà Thảo bán hết lợn, chuồng trại để làm kho chứa. Bà tập trung vào trồng rau, nuôi cá.
Có ao dự trữ nước, nguồn nước tưới ổn định, bởi vậy, kể cả trong mùa hạn, rau củ trong vườn bà luôn xanh tốt, xuất bán đều đều mỗi ngày. Trung bình hàng năm, nữ nông dân thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ mô hình kinh tế của mình.
Năm 2020, cùng với việc xây dựng nhà màng, bà Thảo quyết định chuyên canh rau sạch và nông sản có giá trị kinh tế cao.
Thời điểm này, địa phương đang có chính sách hỗ trợ vốn cho các mô hình phát triển kinh tế nông thôn. Bà Thảo bàn với con trai làm hồ sơ vay vốn làm nhà màng.
Hệ thống nhà màng rộng 1.500m2 có kinh phí xây dựng 500 triệu đồng, trong đó vốn vay từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới là 150 triệu đồng. Để hoàn thiện thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt, điện, bồn chứa ủ phân hữu cơ. Bà Thảo đã đầu tư vào khu vườn tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Tìm hướng đi mới, tăng thêm thu nhập
Sau khi xây dựng nhà màng, có hệ thống tưới hiện đại, bà Thảo làm nông nghiệp mà không lo nắng, chẳng sợ mưa. Đặc biệt, những thời điểm nắng hạn, mưa lũ thị trường những thời điểm khan hiếm rau xanh, nhiều hộ khác không trồng được thì bà Thảo vẫn có rau bán.
Bà Thảo thường chọn các loại rau ngắn ngày như cải, mùi, hành... trồng luân phiên, gối vụ, vừa nhanh có thu hoạch, lúc nào cũng có hàng để bán, lại được giá mà không để trống đất. Nhờ vậy sản lượng và thu nhập trên diện tích đất rất cao.
Tuy nhiên, thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, sự an toàn đối với sức khỏe, bởi vậy trồng trọt theo cách truyền thống khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Bà Thảo bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm nông sản có giá trị kinh tế cao như dưa kim hoàng hậu, dưa vàng, dưa lưới. Lo lắng cây chưa phù hợp với chất đất ở đây, bà Thảo trồng dưa trong bầu xơ dừa.
Cây rau phát triển tốt trong nhà màng, ít sâu bệnh nhưng do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng dưa chưa cao. Bù lại, năm đó dưa bán được giá, tính ra bà Thảo vẫn có lãi. Theo tính toán của bà Thảo, quả dưa có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích.
Năm 2023, bà tiếp tục trồng dưa, xen canh rau. Lần này, bà quyết định đưa dưa ra khỏi bầu xơ dừa, trồng thẳng trên đất, nhờ vậy đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.
Cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, đậu quả nhiều. Trung bình mỗi quả đạt trọng lượng 1,5kg, dưa ngọt, mọng nước. Với giá bán sỉ 40.000 đồng/kg, bà Thảo thu 40 triệu đồng/2 sào trồng dưa.
Thời điểm này, bà Thảo đang chăm chút những luống hoa giống, chủ yếu là hoa cúc. Một phần cây giống sẽ cung cấp cho các hộ trồng hoa trong huyện và các huyện lân cận, phần còn lại sẽ được chăm sóc để bán hoa Tết. Chỉ tính riêng vụ hoa trước và sau Tết hàng năm, bà Thảo có nguồn thu nhập ổn định 70 đến 80 triệu đồng.
Bà Trần Thị Oanh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết: Mô hình kinh tế của bà Thảo mang lại nguồn thu nhập cao, bền vững. Bà Thảo là Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, có nhiều đóng góp cho phong trào Hội, hỗ trợ và tạo việc làm thời vụ cho nhiều hội viên tại hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao của mình.