Dân Việt

Bắt nhịp chuyển đổi số, đồng bào dân tộc thiểu số ở một huyện của Quảng Ninh hưởng nhiều lợi ích

Trần Hoàn - Bùi My 31/10/2023 06:08 GMT+7
Chuyển đổi số toàn diện đang được huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) nỗ lực triển khai trên tất cả các lĩnh vực, nhờ đó đời sống người dân huyện Tiên Yên bước đầu được nâng cao, nhất là đối với đồng bào vùng sâu vùng xa.

Chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm nỗ lực chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân. Từ khi chuyển đổi số, người dân dễ dàng hơn trong việc giao thương.

Chị Nình Thị Hồ (thôn Khe Lục, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, từ ngày có chiếc điện thoại thông minh, chị đã thành thạo tìm kiếm thông tin trên mạng internet và mở mang rất nhiều kiến thức.

"Mình học thêm được chữ là nhờ cái điện thoại này đấy. Vì thấy bảo nó có nhiều cái hay nên mình cũng mua một cái rồi nhờ người biết chữ dạy cho cách bấm phím thành chữ. Nhờ biết sử dụng điện thoại thông minh, mình học hỏi được cách chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cho tốt…" - chị Hồ chia sẻ.

Anh Lỷ Văn Quạn (thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, được tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, anh đã cài đặt và sử dụng các dịch vụ số.

Bắt nhịp chuyển đổi số, đồng bào vùng sâu vùng xa của huyện miền núi ở Quảng Ninh hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 1.

Cán bộ xã Đại Dực hướng dẫn anh Lỷ Văn Quạn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số. Ảnh: Trần Hoàn

Anh Quạn chia sẻ: "Từ khi được tổ chuyển đổi số cộng đồng của thôn hỗ trợ, cùng với tìm hiểu quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, tôi đã cập nhật sản phẩm ớt chào mào – sản phẩm OCOP 3 sao lên sàn thương mại điện tử Postmart để tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, đầu ra luôn ổn định, mang lại thu nhập cao".

Anh Quạn cho biết thêm, anh nhận thấy việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là chuyển đối số vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cực kỳ cần thiết. Nhờ đó, bà con không chỉ cập nhật, tìm hiểu các thông tin về trồng trọt, chăn nuôi mà còn có thể quảng bá sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước.

Huyện miền núi của Quảng Ninh bắt nhịp chuyển đổi số - Ảnh 6.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng xã Đại Dực hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNEID. Ảnh: Trần Hoàn

Theo anh Nình Văn Quang - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lục cho biết, giờ đây cán bộ không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" mà chỉ cần đăng tải thông tin trên Facebook, nhóm Zalo. 

Các thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời. Bà con còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình lên nhóm. Nhiều sự việc sau khi được bà con góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Thu hẹp khoảng cách địa lý nhờ chuyển đổi số

Trước đây, bà con ở những xã vùng cao như Hà Lâu, Đại Dực hay Điền Xá của huyện Tiên Yên muốn mua những mặt hàng giá trị thì phải về thị trấn Tiên Yên mới có. Vậy nhưng hiện nay, bà con có thể ngồi nhà đặt hàng qua mạng, shipper đưa đến tận nhà. 

Nông sản của bà con cũng không cần phải mang ra chợ bày bán nữa, mà có thể rao bán trên Facebook, Zalo... Không chỉ mua, bán hàng thuận tiện, bà con vùng sâu, vùng xa còn dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Huyện miền núi của Quảng Ninh bắt nhịp chuyển đổi số - Ảnh 1.

Công an huyện Tiên Yên về tận bản làng vùng sâu, vùng xa hỗ trợ người dân làm căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Trần Hoàn

Anh Lộc Văn Thắng (thôn Bắc Lù, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trước đây anh thường xuyên phải đến Trung tâm dịch vụ hành chính công của huyện để làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến các hoạt động kinh doanh, buôn bán. 

Mỗi lần làm thủ tục hành chính như thế, anh phải vượt quãng đường dài hơn 30km, đường đi dốc khó khăn nên rất bất tiện. Nhưng hiện nay, anh Thắng có thể thực hiện các thao tác hoàn thiện hồ sơ theo quy định bằng dịch vụ công mức độ 4 sau đó được nhận kết quả ngay tại nhà.

"Người dân vùng cao chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ việc chuyển đổi số, không còn phải di chuyển đoạn đường rất xa để làm các thủ tục giấy từ như trước. Bây giờ, chỉ cần có chiếc điện thoại hoặc máy tính có thể ngồi nhà làm các thủ tục hồ sơ gửi lên huyện, tỉnh rất thuận lợi. Tuy nhiên, mong sao việc chuyển đổi số ở địa phương cần thực hiện mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả hơn nữa để giúp người dân vùng cao tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ tiện ích" - anh Thắng cho hay.

Ông Lã Văn Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên cho biết, sau khi bắt nhịp chuyển đổi số, không ít người dân trên địa bàn xã đã nhận thấy rõ những thay đổi, thuận lợi so với trước kia. Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3 – 4 đã giúp bà con giảm thiểu rất nhiều thời gian đi lại, công việc lại hiệu quả hơn.

Huyện miền núi của Quảng Ninh bắt nhịp chuyển đổi số - Ảnh 3.

Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Yên tuyên truyền các dịch vụ chuyển đổi số cho người dân tộc Sán Dìu, xã Hải Lạng. Ảnh: Trần Hoàn

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên Tạ Vĩnh Thắng, hiện nay, huyện Tiên Yên đã thành lập và kiện toàn 85 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố. Các tổ này được lựa chọn các thành viên từ tổ dữ liệu dân cư quốc gia đã được thành lập trước đây. 

Thành viên các tổ là cán bộ thôn và các đoàn thể. Tổ công nghệ số sẽ phối hợp với đoàn thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, điện thoại thông minh truy cập dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, sử dụng các mạng xã hội trong việc trao đổi thông tin...

Nhờ chuyển đổi số, đời sống người dân huyện Tiên Yên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa của huyện bước đầu được nâng cao. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Tiên Yên tiếp tục có nhiều những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.