Cách đây 1 tuần, chị Trinh vô tình đọc được một bài đăng tuyển tình nguyện viên "ấp trẻ" sinh non bị bỏ rơi của Cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần (TP Thủ Đức). Là một bà mẹ 2 con, khi nhìn thấy hình ảnh xanh xao của những đứa trẻ, chị Trinh vô cùng xúc động.
Chị biết rằng thứ mà những đứa trẻ này cần không chỉ dừng lại ở những dòng sữa mà còn là hơi ấm của người mẹ. Khi ấy, bản năng làm mẹ của Trinh trỗi dậy, thôi thúc chị đăng ký tham gia hoạt động vô cùng ý nghĩa này.
“Hôm nay là lần thứ 2 tôi tham gia hoạt động "ấp trẻ" tại đây. Lần đầu gặp các con, tôi cũng lo bản thân không làm được vì bé nhỏ quá. Thế nhưng, khi ôm bé vào lòng, tôi cảm thấy thiêng liêng và xúc động vô cùng”, chị Trinh chia sẻ.
Nhận đứa bé từ bảo mẫu, chị Trinh thuần phục đặt bé lên ngực và dùng vải quấn bé áp sát vào cơ thể mình. Tiếp đến, chị dùng tay xoa nhẹ lưng, em bé từ từ đi vào giấc ngủ. Được biết, phương pháp chị Trinh đang thực hiện được gọi là phương pháp Kangaroo.
Phương pháp này được mô phỏng dựa trên hình ảnh Kangaroo, mẹ chăm sóc bằng cách đặt con vào túi phía trước ngực. Để thực hiện phương pháp này, tình nguyện viên sẽ đặt bé tiếp xúc da kề da trên ngực mình, bên ngoài trùm thêm một miếng vải để tạo thành một lồng ấp tự nhiên. Vì các bé đều sinh thiếu tháng, thế nên phương pháp này sẽ được duy trì cho đến khi bé phát triển ngang ngửa 40 tuần thai trong bụng mẹ.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chăm sóc bé sơ sinh, chị Ngô Thủy (quận Bình Thạnh) nhận ra đây là phương pháp cần cho 3 đứa trẻ sinh non mái ấm mới đón về. Cách đây không lâu, mái ấm tiếp nhận 3 trường hợp sinh non từ 32-35 tuần tuổi. Trong đó, một bé mang trong người căn bệnh hoại tử ruột, phải cắt đi khoảng 60cm ruột, buộc phải sử dụng hậu môn giả.
Tuy nhiên, vì mái ấm thiếu nhân lực, chị Thủy buộc phải kêu gọi trên trang cá nhân của mái ấm. Chỉ sau vài ngày, đã có hơn 10 tình nguyện viên xung phong đảm nhận.
Lịch "ấp trẻ" sẽ được các tình nguyện viên chủ động sắp xếp dựa trên thời gian rảnh của bản thân. Thời gian ấp cũng được linh hoạt, có người sẵn sàng hỗ trợ mái ấm ấp các con cả ngày, người rảnh 1-2 tiếng cũng đến phụ một tay.
“Khi ấp bé, lồng ngực của người chăm sóc sẽ nhấp nhô theo nhịp tim. Điều này giúp cho bé chuyển động theo, nhu động ruột và mạch máu của bé được lưu động nhanh hơn so với khi để bé nằm tự nhiên”, chị Thủy cho biết.
Sau 2 tuần cố gắng, cả 10 người mẹ đều nhận được “quả ngọt”. Từ những đứa trẻ chân tay tím tái, khát khao bầu sữa mẹ, các bé đều hồng hào, phát triển tốt hơn so với trước đây. Có bé từ 1kg tăng lên gần 3kg.
Lần đầu tiên tham gia ấp bé, chị Nguyễn Hoàng My (quận 2) không giấu được sự xúc động: “Lúc nghe bạn chia sẻ về hoạt động ý nghĩa, tôi đã cảm thấy rất thích và muốn tham gia ngay. Những đứa bé ở đây thiếu hơi mẹ nên ngoan lắm, chỉ quấy khóc khi đói. Khi áp em bé vào lòng và vuốt ve bé, bên trong tôi có một cảm xúc khó tả vô cùng. Tôi thấy ấp thế này bé cũng cười nhiều hơn so với bình thường”.
Bên cạnh 3 bé sinh non, mái ấm Thiên Thần cũng đang nuôi dưỡng hơn 100 đứa trẻ từ sơ sinh đến độ tuổi đến trường. Trung bình, mỗi bảo mẫu sẽ chăm sóc khoảng 5 trẻ. Các kinh phí để duy trì mái ấm như mua sữa, sách, vở... đếu đến từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.
“Những đứa trẻ này đã rất thiệt thời, thiếu thốn về mặt tình cảm nên rất cần hơi ấm của người mẹ. Tôi thật sự mong sẽ ngày càng có nhiều tình nguyện viên tham gia hoạt động này”, chị Thủy tâm sự.
Những phụ nữ tình nguyện "ấp trẻ" sinh non bị bỏ rơi. Video: Minh Tâm