TP.HCM có gần 4.000 người đau mắt đỏ chỉ trong 1 ngày ngày, hơn một nửa số ca bệnh là trẻ em

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 15/09/2023 11:41 AM (GMT+7)
Sở Y tế TP.HCM cho biết tổng số ca đau mắt đỏ trên địa bàn trong ngày 13/9 là 3.954 ca, trong đó, có 1.985 ca là trẻ em dưới 16 tuổi.
Bình luận 0

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM chiều 14/9 cho biết, bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) riêng ngày 12/9 tại TP.HCM là 3.954 ca, tăng 10 ca so với ngày 11/9. Trong số này, có 1.985 ca trẻ em dưới 16 tuổi.

Còn trong ngày 13/9, TP.HCM có 3.840 ca đau mắt đỏ, giảm 114 ca so với ngày 12/9, trong đó, có 2.238 ca là trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 235 ca so với ngày 12/9).

TP.HCM có gần 4.000 ca đau mắt đỏ, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm quá nửa - Ảnh 1.

Trẻ em đau mắt đỏ chiếm quá nửa số ca bệnh tại TP.HCM. Ảnh: M.Q

Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tăng cao so với các năm gần đây, Sở Y tế yêu cầu nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – OUCRU, phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tiến hành khảo sát nhanh, tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám tại BV Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ.

Theo kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

Sở Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh viêm kết mạc. Khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

TP.HCM có gần 4.000 người đau mắt đỏ mỗi ngày, hơn một nửa số ca bệnh là trẻ dưới 16 tuổi  - Ảnh 3.

Hướng dẫn phòng bệnh đau mắt đỏ của HCDC.

Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao TP, về chủ động tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện, và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú, báo cáo theo quy định. Đồng thời chỉ đạo bệnh viện Mắt và HCDC phối hợp OUCRU thực hiện nghiên cứu, để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh viêm kết mạc.

Đối với thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh dấu mắt đỏ, Sở Y tế cho biết, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.

Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngày 12/9, Sở GDĐT TP.HCM cũng đã có công văn khẩn về việc yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động triển khai biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ, trước tình hình bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp trong trường học. 

Theo đó, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị triển khai biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng; tăng cường thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và xử lý các trường hợp phát hiện học sinh đau mắt đỏ ở trường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem