Dân Việt

Có được hoán đổi số năm đóng thừa BHXH để về hưu trước tuổi?

Thùy Anh 26/10/2023 09:59 GMT+7
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sắp được Quốc hội thảo luận có nhiều nội dung mới. Một trong những vấn đề được quan tâm là chế độ trợ cấp khi dư năm đóng BHXH hoặc hoán đổi số năm đóng thừa BHXH để về hưu trước tuổi.

Xem xét tăng trợ cấp khi đóng thừa năm BHXH

Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ mức trợ cấp một lần cho lao động đóng trên 30-35 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) để đảm bảo tương xứng giữa đóng và hưởng.

Tham gia thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động về mức trợ cấp một lần với lao động đóng thừa năm BHXH tối đa (nam trên 35, nữ trên 30 năm) để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất lao động đóng thừa năm BHXH ngoài lương hưu tối đa 75% còn được nhận trợ cấp một lần. Với mỗi năm đóng thừa, người lao động được hưởng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Nếu lao động đã đủ tuổi về hưu, đủ điều kiện nhận lương hưu tối đa mà vẫn tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng thêm bằng 2 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

BHXH

Lao động đề nghị tăng số tiền trợ cấp khi đóng thừa năm BHXH. Ảnh: Nguyễn Hải

Ví dụ lao động nam 65 tuổi, đã đóng BHXH 37 năm thì được hưởng lương hưu tối đa 75%. Với 2 năm đóng thừa, lao động sẽ nhận trợ cấp một lần với mức hưởng mỗi năm bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu người này tiếp tục tham gia vào Quỹ Hưu trí tử tuất (toàn bộ 22%) sau tuổi 65 thì trợ cấp cho mỗi năm thừa bằng 2 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội với 5 nội dung sửa đổi, bổ sung chính. Dự kiến Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được trình Quốc hội tại kỳ họp này, thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Đề xuất về cơ bản giữ nguyên điều kiện và mức hưởng so với luật hiện hành, chỉ bổ sung trợ cấp nếu lao động tiếp tục tham gia BHXH sau khi nghỉ hưu với mức hưởng tối đa 75%. Ban soạn thảo lý giải đề xuất này nhằm khuyến khích lao động tiếp tục làm việc và đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.

Kiến nghị được hoán đổi số năm đóng thừa BHXH để nghỉ hưu sớm

Góp ý cho dự luật trước đó, một số cơ quan kiến nghị cho lao động hoán đổi số năm đóng BHXH thừa để nghỉ hưu sớm, sau khi đã đạt mức lương hưu tối đa 75%. Với mỗi năm đóng thừa, lao động được hoán đổi để nghỉ sớm mà không bị trừ 2% tỷ lệ hưởng, tối đa 5 năm so với tuổi quy định. Giải pháp này đáp ứng được nguyện vọng của nhóm đã đóng BHXH sớm, thời gian đóng dài, đồng thời tăng quyền lợi để lao động gắn bó lâu dài với hệ thống, giảm rút BHXH một lần.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt sáng nay (26/10), ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua quá trình đơn vị tổ chức tọa đàm, khảo sát từ thực tế của đơn vị thì có nhiều người lao động nêu ý kiến về vấn đề này.

BHXH

Ông Lê Đình Quảng cho biết, kiến nghị hoán đổi số năm đóng thừa BHXH để về hưu khi chưa đủ tuổi là phù hợp. Ảnh: N.T

Trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu tăng lên (lộ trình nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi), lao động, nhất là công nhân, lao động phổ thông tham gia thị trường lao động sớm, nhiều lao động thừa số năm đóng BHXH nhưng lại chưa đủ tuổi về hưu. Điều này khiến cho một bộ phận lao động chịu thiệt, dù có số năm đóng BHXH dư nhưng do không đủ tuổi về hưu nên phải trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu. Cứ nghỉ hưu trước 1 tuổi là bị trừ 2%, dẫn tới tỷ lệ hưởng hương hưu của lao động nghỉ hưu trước tuổi rất thấp.

Mặt khác, phần đông lao động phổ thông, là công nhân, làm việc trực tiếp do suy giảm sức khỏe hoặc lớn tuổi bị sa thải sớm nên không thể về hưu đúng tuổi.

Bởi vậy, nhiều công nhân kiến nghị xem xét hoán đổi số năm đóng thừa BHXH sang đổi tuổi nghỉ hưu thay vì mỗi năm đóng thừa chỉ được hưởng 0,5 tháng tiền lương bình quân đóng BHXH như hiện nay.

"Đây là nguyện vọng chính đáng của người lao động, cũng phù hợp với quan điểm của BHXH là đảm bảo quyền lợi, lợi ích tốt nhất của người lao động nhằm giữ chân người lao động với hệ thống BHXH hiện nay", ông Quảng nói.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho rằng đây là vấn đề lớn được đặt ra từ thực tiễn, nhưng cũng cần được xem xét, đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể và xem phương thức quy đổi thế nào cho phù hợp. Hiện trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi chưa đưa nội dung này vào, nhưng hy vọng trong thời gian thảo luận, góp ý tại tổ đại biểu quốc hội sẽ cho thêm ý kiến để bổ sung hoàn thiện hơn nữa nội dung này.

Trước đó, báo cáo tại Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết giai đoạn 2016-2021, cả nước có thêm 661.000 lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng, 435.000 người trong đó nhận trợ cấp một lần vì thừa số năm đóng BHXH tối đa (chiếm gần 66%). Bình quân 3 người nghỉ hưu thì có hai người được hưởng mức tối đa 75%.

Thống kê tuổi nghỉ hưu trung bình của lao động đã tăng từ 55,8 vào năm 2016 lên 56,6 cuối năm 2022. Bình quân lao động nữ nghỉ ở tuổi 54,4 và nam 58,7 tuổi. Lao động đóng trung bình 29,9 năm BHXH trước khi nghỉ chế độ hưu trí.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho biết, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người Việt tới 75%, cao so với một số nước trong khu vực, song lương hưu bình quân chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nền lương tính đóng BHXH thấp.

Với tiền đóng bình quân 5,7 triệu đồng như hiện hành, lương hưu của lao động nam đạt mức gần 2 triệu đồng và nữ khoảng 2,6 triệu đồng nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm.