Du lịch y tế được hiểu là đi du lịch kết hợp hình thức khám chữa bệnh. Đây là 1 trong 6 xu hướng phát triển của du lịch hiện nay.
Tại buổi lễ công bố sản phẩm du lịch y tế TP.HCM hồi giữa năm 2023, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết tại Việt Nam, khách du lịch đến khám chữa bệnh đạt doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Riêng năm 2018, có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú, 57.000 được điều trị nội trú, TP.HCM chiếm khoảng 40%. Bên cạnh nha khoa thẩm mỹ, vài năm trở lại đây, 3 dịch vụ y tế khác cũng đang được khách du lịch nội địa và quốc tế quan tâm là khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe tầm soát bệnh lý - thực hiện kỹ thuật chuyên sâu và y học cổ truyền.
Chương trình du lịch y tế tại TP.HCM bắt đầu triển khai từ năm 2017, do ảnh hưởng của Covid-19, đến nay, sản phẩm du lịch này mới thực sự được đầu tư. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các bệnh viện tại TP.HCM đã bắt tay hình thành khoảng 30 chương trình tour du lịch y tế kết hợp thăm khám sức khỏe, trị liệu nha khoa thẩm mỹ với các chương trình tham quan ngắn ngày trong nội đô.
Bác sĩ Hồng Công Danh - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, để làm du lịch y tế, bệnh viện kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, du khách có thể khám bệnh vào buổi sáng, sau đó kết hợp tham quan tại TP.HCM và đến chiều quay về nhận kết quả. Đối với điều trị hiếm muộn, quy trình trước đây khá dài nhưng hiện đã giảm đáng kể thời gian. Bệnh viện đầu tư mở rộng khu điều trị hiếm muộn và vừa khai trương thêm khu vực dành cho khách VIP, tạo thuận lợi cho du lịch y tế.
Ở khối bệnh viện tư, sức hút từ khám chữa bệnh cho bệnh nhân các nước ngày càng tăng. TS.BS Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết bệnh viện được nhiều người dân khu vực miền Tây Nam Bộ cũng như thu hút hàng nghìn lượt người đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ khu vực Đông Nam Á, nhất là từ Campuchia, Lào. Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đồng thời chủ động thực hành để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế…
Để hút bệnh nhân nước ngoài, Gia An 115 còn học hỏi kinh nghiệm làm du lịch y tế của Thái Lan nhằm tối ưu chất lượng dịch vụ, thu hút ngày càng đông khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài có nhu cầu kết hợp du lịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Trưởng phòng Kế hoạch và Tiếp thị Bệnh viện Quốc tế City (CIH) cho biết lượng khách nước ngoài đến CIH khám bệnh không ngừng tăng. Mỗi năm CIH thu hút hơn 30.000 bệnh nhân đến từ Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Nga… Số lượt khám chữa bệnh cho bệnh nhân Campuchia chiếm 90%.
Giải thích vì sao Bệnh viện Quốc tế City thu hút được người bệnh Campuchia, bà Thúy tiết lộ: “Chúng tôi có văn phòng dành riêng cho khách Campuchia, có đội ngũ nhân viên người Campuchia, thông dịch viên hỗ trợ ngôn ngữ, có nơi để hành lý, nghỉ ngơi, quầy thức ăn nhẹ, xe đưa đón từ bệnh viện đến bến xe Campuchia hoàn toàn miễn phí. Đội ngũ nhân viên người Campuchia sẽ hỗ trợ mở hồ sơ, dẫn bệnh nhân đi khám, trả kết quả cũng như làm hồ sơ xuất viện. Khi ra về mỗi khách sẽ nhận phần quà được thiết kế dành riêng cho khách để thay lời cảm ơn”.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế tại TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, gồm 131 bệnh viện công lập, tư nhân và bệnh viện thuộc Bộ ngành. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh hợp lý. Các cơ sở y tế hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế ở TP.HCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe.
“Ngày càng có nhiều kiều bào, khách quốc tế đến TP.HCM để tìm kiếm các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trị liệu thẩm mỹ, nha khoa vì nhận thấy tay nghề của các y bác sĩ và chất lượng dịch vụ, phục vụ tại đây rất tốt nhưng lại có mức chi phí cạnh tranh hơn nhiều so với nước sở tại. Ngoài ra, qua các nghiên cứu, khảo sát sau dịch Covid-19, du khách trong và ngoài nước đều quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc trị liệu sức khỏe. Vì thế, đây là cơ hội tốt để thúc đẩy du lịch y tế của TP.HCM”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu nhìn nhận.
Dù vậy, theo các doanh nghiệp lữ hành, để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch y tế vẫn không dễ khi lữ hành và y tế vẫn “mạnh ai nấy đi” và chưa thực sự hiểu nhau. Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Chim Cánh Cụt Travel, cho biết công ty đang khai thác một số sản phẩm du lịch y tế tại TP.HCM. Mỗi sản phẩm có đặc trưng riêng, tập trung vào các gói chăm sóc sức khỏe cơ bản, kết hợp tham quan, du lịch các địa điểm nổi tiếng. Ông nhận thấy thực sự hai ngành chưa hiểu nhau, khiến du lịch y tế vẫn loay hoay thời gian qua.
“Tiềm năng du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe không xâm lấn, nha khoa, y học cổ truyền tại TP.HCM rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn nhất của sản phẩm du lịch y tế là sự kết nối, bắt tay giữa doanh nghiệp du lịch và bệnh viện, cơ sở y tế. Để có sản phẩm du lịch y tế tốt, hút khách bền vững, doanh nghiệp du lịch và bệnh viện, cơ sở y tế phải ngồi lại được với nhau hơn là tự thu hút khách”, ông Duy nói và cho rằng sự đầu tư du lịch y tế phải là một chiến lược dài hơn, vai trò của các bệnh viện rất quan trọng.
Ngoài ra, một thực trạng khác gây trở ngại phát triển du lịch y tế tại TP.HCM là sự quá tải tại nhiều bệnh viện, cơ sở vật chất ngay tại bệnh viện, nhất là bệnh viện công chưa thực sự làm hài lòng du khách.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Trưởng phòng Kế hoạch và Tiếp thị Bệnh viện Quốc tế City (CIH), cho biết tại Thái Lan, một số bệnh viện có tư duy làm du lịch y tế ngay từ ban đầu, vì vậy, họ đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất, phòng chờ, có cả trăm thông dịch viên hỗ trợ khách nước ngoài. “Các bệnh viện Việt Nam hạn chế khoản này, một số bệnh viện như chúng tôi đã có phòng chờ, có thông dịch viên nhưng vẫn chưa thể chỉn chu, chuyên nghiệp bằng. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta cần phải học để đón khách quốc tế, chi tiêu cao cho mảng du lịch y tế”, bà Thúy nói.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết xác định du lịch y tế là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM trong thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ sở y tế, doanh nghiệp du lịch hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế, thực hiện video clip giới thiệu, quảng bá về sản phẩm du lịch y tế trên địa bàn thành phố.
TP.HCM cũng sẽ hiệu chỉnh cẩm nang du lịch y tế năm 2018, cập nhật, bổ sung và điều chỉnh với nội dung ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả, thêm nhiều ngôn ngữ (Anh, Thái, Campuchia, Lào, Hoa) để du khách trong nước và quốc tế có thể nghiên cứu, tham gia các chương trình tour, trải nghiệm thực tế tại địa phương. Sở Du lịch kỳ vọng các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn… sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đào sâu nghiên cứu để xây dựng, làm mới và giới thiệu những gói sản phẩm du lịch với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe hấp dẫn, chất lượng để thu hút thêm nhiều khách du lịch đến thành phố trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp.
Đón đọc Đánh thức "mỏ vàng" du lịch TP.HCM - Bài cuối: Từ Thiềng Liềng đến tư duy chuỗi giá trị cho du lịch nông thôn