Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 1: Tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 27/10/2023 07:56 AM (GMT+7)
Chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” là sáng kiến của ngành du lịch TP.HCM. Sau hai năm triển khai, “mỏ vàng” tài nguyên du lịch phong phú tại TP.HCM đã được đánh thức.
Bình luận 0

LTS: Từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM tích cực làm mới sản phẩm và tăng cường quảng bá du lịch. Du lịch là “điểm sáng” tích cực và được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong chiến lược phát triển của TP.HCM.

Các chuyên gia cho rằng để tạo sự khác biệt, du lịch TP.HCM cần có những sản phẩm đặc trưng, đặc thù. Với tài nguyên sẵn có, du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp, du lịch MICE, du lịch y tế… được xem là “mỏ vàng” của TP.HCM, tuy vậy, việc khai thác tiềm năng để phát triển xứng tầm vẫn chưa đạt như kỳ vọng, hoặc chỉ mới manh nha ở giai đoạn đầu.

Cơ quan quản lý, doanh nghiệp, địa phương đang nhìn nhận tích cực về vai trò của các “mỏ vàng” này và sẵn sàng đánh thức chúng, phát triển thành sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của thành phố trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.

Chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" là sáng kiến của ngành du lịch TP.HCM. Giai đoạn tìm kiếm đã hoàn thành, các quận, huyện và ngành du lịch TP.HCM cần có chiến lược để tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch đặc trưng.

Làm mới sản phẩm du lịch từ nội thành đến ngoại ô

TP.HCM từ trước đến nay vẫn được xem là nơi trung chuyển khách, tức khách chỉ ở thành phố 1 - 2 đêm, loanh quanh ở khu vực trung tâm rồi xuống miền Tiền Giang, Cần Thơ hoặc lên máy bay, di chuyển sang các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã và đang dần thay đổi khi các quận huyện đều bắt tay làm mới sản phẩm du lịch, kết nối các điểm đến có giá trị văn hóa, vui chơi giải trí để hút khách.

Quận Bình Thạnh nằm ngay cạnh quận 1, với nhiều điểm đến văn hóa đặc trưng của vùng đất Gia Định xưa vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay, dù vậy, hoạt động du lịch từ trước đến nay không quá nổi bật. Gần đây, khách du lịch đến Bình Thạnh đã nhộn nhịp hơn với tour văn hóa - lịch sử “Bình Thạnh - Vùng đất thanh bình”. 

Khách được tham quan các điểm còn lưu giữ những dấu ấn của vùng đất Sài Gòn - Gia định xưa và TP.HCM ngày nay, như Nhà Truyền thống quận Bình Thạnh, cổng có chữ "Gia Định" tại ngã ba đường Phan Đăng Lưu và Lê Văn Duyệt (ngay phía trước trụ sở UBND quận), Lăng Ông Bà Chiểu, Vincom Landmark 81, trải nghiệm ngắm TP.HCM từ trên cao...

Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 1: Tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện - Ảnh 2.

Biểu diễn hát bội thường kỳ vào cuối tuần tại Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh tạo thêm điểm nhấn, thu hút khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Phúc

Điểm đến đặc biệt nhất của tour “Bình Thạnh - Vùng đất thanh bình” là Lăng Ông Bà Chiểu (Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt). Lăng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt rất nổi tiếng tại TP.HCM. Trước đây, lăng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết và giỗ Ông. Việc kết nối, tăng cường quảng bá du lịch cho điểm đến đang dần thu hút khách. Cùng với sản phẩm du lịch mới, tại lăng cũng biểu diễn hát bội vào cuối tuần để tăng sức hấp dẫn điểm đến, phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Bà Thái Thị Hồng Nga - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết với tiềm năng điểm đến, bước đầu địa phương đã khảo sát để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử “Bình Thạnh - Vùng đất thanh bình”. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục xây dựng và ra mắt một số sản phẩm phù hợp với tiềm năng và thế mạnh để góp phần phát triển du lịch TP.HCM.

Hay tại quận 4, yếu tố đặc trưng “cù lao” giữa TP.HCM đã được địa phương khai thác thành một điểm nhấn đặc biệt với sản phẩm du lịch “Cù lao giữa lòng phố thị”. Du khách tham quan Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, trụ sở Công ty nước mắm Liên Thành, đình Vĩnh Hội, di tích kiến trúc nghệ thuật nhà số 236 Bến Vân Đồn, phường 2 (nhà cổ - Trung tâm Văn hóa cũ).

Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó Chủ tịch UBND quận 4, mặc dù có diện tích nhỏ nhưng quận có nhiều điểm tham quan nổi tiếng. Bên cạnh các công trình kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử, quận 4 còn duy trì và phát triển ngành nghề da giày thủ công truyền thống. Địa phương đã khảo sát, cho ra mắt sản phẩm du lịch này và đặc biệt sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành có nhiều lựa chọn nghiên cứu sản phẩm du lịch mới.

Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 1: Tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện - Ảnh 3.

Các gia đình và du khách nhí tham quan các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Vinh

Không chỉ các quận nội thành mà lần đầu tiên những huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè vốn ít nổi trên bản đồ du lịch TP.HCM cũng có sản phẩm hút khách. 

Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Chim Cánh Cụt Travel, cho biết tour du lịch về các huyện ngoại thành TP.HCM có sức hấp dẫn cao mà nhiều người chưa biết. Như tour “Bình Chánh những điều chưa kể”, Chim Cánh Cụt Travel ra mắt tour này sau dịch Covid-19 năm 2022, khách được trải nghiệm hái đọt rau choại, làm nhang tại làng nghề xã Lê Minh Xuân, viếng chùa Phật Cô Đơn… đến nay vẫn có sức hút. Nhờ tour này, du lịch Bình Chánh đã được chú ý hơn. “Thừa thắng xông lên”, huyện Bình Chánh đã sớm xây dựng và hoàn thành một bản đồ số, giới thiệu các điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn.

Tạo sức sống cho sản phẩm du lịch quận, huyện

Chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” là sáng kiến của ngành du lịch TP.HCM, được phát động triển khai ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc. Nếu như đến giữa năm 2022, khoảng 50% quận, huyện có sản phẩm du lịch thì hiện gần như quận, huyện nào tại TP.HCM cũng có sản phẩm riêng. 

Năm 2023, nhiều sản phẩm du lịch mới của TP.Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với các loại hình du lịch là tiềm năng thế mạnh đã tiếp tục ra đời như "Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa quận 1"; các điểm đến du lịch đặc trưng quận 7; "quận 8 - Vùng đất của những câu chuyện"; "đến quận 10 Nghe kể chuyện đông y"; “Sắc màu Bình Tân”…

Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 1: Tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện - Ảnh 4.

Quận 4 giới thiệu sản phẩm du lịch “Cù lao giữa lòng phố thị”. Ảnh: H.Phúc

Các sản phẩm du lịch này đã đánh thức “mỏ vàng” 366 tài nguyên du lịch của TP.HCM, hình thành khoảng 60 sản phẩm du lịch. Có thể thấy, hầu hết điểm đến trong các tour du lịch mới đều là những điểm đến “quen mà lạ”. “Quen” vì ngay người dân thành phố và không ít du khách đã được nghe nhắc đến, đã đi qua hàng ngày. Còn “lạ” ở chỗ chính là câu chuyện văn hóa, tính độc đáo của từng điểm đến được chăm chút, khai thác và kể một câu chuyện có hồn. Đó chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, thu hút du khách.

"Phải mất một thời gian rất lâu để làm mới và truyền thông, tour Biệt động Sài Gòn mới nổi tiếng và hút khách như hiện nay"

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly đánh giá chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” của TP.HCM là sáng kiến hay khi huy động được cơ quan quản lý, công ty lữ hành và địa phương cùng vào cuộc tìm kiếm sản phẩm du lịch. Những điểm du lịch mới, nổi bật nếu không cùng xắn tay “đào bới”, làm mới thì khó tìm ra, bổ sung thêm những điểm đến đặc trưng, hút khách. Theo bà Ly, sau hai năm, TP.HCM đã tạm hoàn thành giai đoạn 1, nhưng còn nhiều việc phải làm để tạo nên sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện.

“Theo tôi, thứ nhất, các quận, huyện cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đã có, bởi chính các điểm đến có thể tự đón khách từ sản phẩm riêng của mình. Thứ hai, điều tối quan trọng là cần phải có sự liên kết giữa sản phẩm du lịch của các quận, huyện dựa trên tính liền kề, tương đồng, mức độ đặc sắc của điểm đến bởi nguyên tắc của sản phẩm du lịch là không thể cục bộ một chỗ. Chẳng hạn, quận 5, quận 11, quận 6 phải có tính liên kết dựa trên các điểm đến đang có, hình thành một sản phẩm riêng mang đặc trưng khu vực chợ Lớn, tạo trải nghiệm liền mạch cho du khách. Thứ ba, cần đẩy mạnh đầu tư truyền thông, quảng bá điểm đến để hút khách, có như vậy thì chương trình mới thực sự hiệu quả”, bà Ly nói và minh chứng thêm, phải mất một thời gian rất lâu để làm mới và truyền thông, tour Biệt động Sài Gòn mới nổi tiếng và hút khách như hiện nay.

Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 1: Tạo sức sống lâu dài cho sản phẩm du lịch quận, huyện - Ảnh 5.

Tour Biệt động Sài Gòn là một trong những tour văn hóa - lịch sử hút khách và thành công nhất của TP.HCM hiện nay. Ảnh: Bảo Thu

Tính liên kết, đặc trưng và độc đáo của sản phẩm được xem là yếu tố tạo sức sống cho sản phẩm du lịch. Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Truyền thông Vietluxtour, đơn vị đang khai thác hiệu quả nhiều tour khám phá văn hóa - lịch sử TP.HCM, cho biết các tour này thời gian qua, đặc biệt nhất là tour Biệt động Sài Gòn khởi hành đều đặn hàng ngày, thu hút khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM. Tour Biệt động Sài Gòn được xem là một trong những tour văn hóa - lịch sử thành công của TP.HCM hiện nay.

“Bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ trải qua các giai đoạn phát triển, suy thoái nếu không được làm mới liên tục, đặc biệt trong giai đoạn thị trường đang hồi phục. Sức cạnh tranh tăng cao nên sản phẩm phải tạo được sự khác biệt để tạo ấn tượng với du khách. Như dòng sản phẩm Biệt động Sài Gòn, ngoài độc đáo thì luôn được chúng tôi làm mới liên tục với các tuyến liên kết nội - ngoại đô để đa dạng sản phẩm, tăng khả năng quay trở lại của các du khách đã trải nghiệm”, bà Thu nêu kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để thu hút du khách, TP.HCM đã và đang triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng với tiêu chí mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo, khen thưởng)… nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến TP.HCM.

Sở đang tiếp tục rà soát, tổng hợp các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang tính liên kết; một số dự án trọng điểm về du lịch của TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Đặc biệt, thành phố chú trọng sản phẩm tour liên tuyến kết nối các quận, huyện trên địa bàn, sản phẩm du lịch ban đêm, xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm đặc trưng TP.HCM với chủ đề “TP.HCM - Sống động từng trải nghiệm”.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết năm 2023, ngành du lịch thành phố tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP.HCM với mục tiêu chính là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP.HCM.

Đón đọc Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM - Bài 2: Để du lịch sông nước phát triển đúng tiềm năng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem