Thời xưa, hoàng đế được coi là "thiên tử", nắm giữ quyền lực tối thượng của cả một quốc gia. Hoàng đế không chỉ có quyền sinh sát trong tay mà còn được sống trong nhung lụa, được hưởng nhiều sơn hào hải vị trong thiên hạ.
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các vị hoàng đế thời xưa đều có tuổi thọ thấp. Chẳng hạn, tuổi thọ trung bình của hai vị hoàng đế nhà Tần chỉ là 37 tuổi. Trong đó, Tần Thủy Hoàng thọ 49 tuổi và Tần Nhị Thế chỉ 24 tuổi. Vào thời nhà Hán, độ tuổi trung bình của 29 vị hoàng đế của vương triều này là khoảng 34 tuổi. Trong đó, Hán Vũ Đế là người sống thọ nhất trong các vị hoàng đế của nhà Hán, với 69 tuổi.
Đối với vương triều nhà Thanh, trong số 12 vị hoàng đế, ngoại trừ Càn Long qua đời ở tuổi 89, tuổi thọ trung bình của các vị hoàng đế cũng chỉ khoảng 53.
Nhìn chung, tuổi thọ trung bình của các vị hoàng đế thời xưa đều thấp. Vậy, nguyên nhân đằng sau thực tế kỳ lạ này là gì?
6 nguyên nhân khiến các hoàng đế thường có tuổi thọ không cao
Trong cung, chế độ ăn uống của hoàng đế luôn đặc biệt nhất. Theo đó, ba bữa ăn mỗi ngày của hoàng đế đều được nhà bếp chuyên dụng của hoàng gia chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên các món sơn hào hải vị tưởng chừng rất ngon miệng và bổ dưỡng này lại ẩn chứa nhiều rủi ro lớn.
Cụ thể, để theo đuổi hương vị thơm ngon của các món ăn dâng lên hoàng đế, có không ít nguyên liệu phải trải qua quá trình chế biến vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, các đầu bếp phải tiến hành ướp và hầm các nguyên liệu trong một thời gian dài. Điều này không chỉ làm mất đi chất dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn có thể sản sinh ra các chất có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, các hoàng đế thường lạm dụng nhiều loại thuốc bổ như mật gấu, gạc hươu... để tăng cường thể lực. Mặc dù những loại thuốc bổ này có thể cải thiện sức mạnh thể chất trong một thời gian ngắn, nhưng nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra những tổn thương.
Các hoàng đế thời xưa dù sống trong nhung lụa, có nhiều người kề cận hầu hạ nhưng lại chịu áp lực công việc rất lớn. Hằng ngày, hoàng đế phải xử lý một lượng lớn các công việc của triều đình như thiết triều, trao đổi công việc cần giải quyết với các quan đại thần, xét xử nhiều vụ án khác nhau...
Khối lượng công việc lớn cùng áp lực khiến các hoàng đế thường xuyên phải thức khuya và không được nghỉ ngơi đầy đủ. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh dẫn tới sự mệt mỏi kéo dài từ ngày này qua ngày khác khiến cơ thể của hoàng đế bị suy yếu và dễ mắc bệnh.
Các hoàng đế cũng phải chịu nhiều căng thẳng, mất lòng tin vào những người xung quanh, luôn phải dè chừng các xung đột chính trị... gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe của họ. Việc luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng cao độ suốt một thời gian dài có thể dẫn đến nhiều loại bệnh khó chữa.
Mặt khác, y học thời xưa còn nhiều hạn chế, các vị thái y cũng không dám áp dụng những phương pháp chữa trị chưa được kiểm chứng nên các hoàng đế thường có tuổi thọ thấp.
Hơn nữa, có không ít vị hoàng đế hưởng thụ quá mức cuộc sống xa hoa, đắm chìm trong tửu sắc và xa rời việc rèn luyện sức khỏe nên cũng băng hà sớm vì cơ thể bị lao lực quá độ.
Hoàng đế thời xưa thường có nhiều phi tần và đông con cháu. Do đó, việc tranh giành người thừa kế ngai vàng ở chốn thâm cung thường trở thành một "quả bom" vô hình, gây ra nhiều hỗn loạn và mâu thuẫn. Chính những mâu thuẫn nội bộ này là một trong những nguyên nhân dẫn tới tuổi thọ ngắn ngủi của hoàng đế.
Thời xưa, để duy trì quyền lực và bảo vệ dòng máu hoàng tộc tôn quý nên nhiều vị hoàng đế đã kết hôn với những mỹ nữ có quan hệ họ hàng với mình. Họ cũng không biết tác hại của các mối quan hệ hôn nhân cận huyết thống.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học hiện nay, việc kết hôn giữa những người họ hàng gần gũi sẽ gây ra tác hại rất lớn, chẳng hạn như con cái của họ sẽ dễ bị nhiễm các bệnh về di truyền, dị tật bẩm sinh.... Đương nhiên, những căn bệnh di truyền do hôn nhân cận huyết có thể là nguyên nhân khiến tuổi thọ của các hoàng đế thời xưa bị rút ngắn.
Hoàng đế là người nắm giữ quyền lực to lớn của cả một quốc gia nên đương nhiên có rất nhiều thế lực, cá nhân trong và ngoài cung luôn rình rập tới ngai vàng. Do đó, các vị hoàng đế thời xưa luôn phải sống trong cảnh có thể bị ám sát bất cứ lúc nào.
Trong cung, để tranh giành quyền lực, nhiều người dùng mọi thủ đoạn, thậm chí liều lĩnh ám sát hoàng đế. Vì vậy, hoàng đế luôn phải cảnh giác với tất cả mọi người, thậm chí là anh chị em ruột. Áp lực từ việc lo sợ bị ám sát và mất ngai vàng khiến hoàng đế có thể bị kiệt sức về cả thể chất và tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của họ.
Nắm giữ quyền lực tuyệt đối của một đất nước nên không ít vị hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc theo đuổi giấc mộng trường sinh. Để hiện thực hóa được điều này, nhiều vị hoàng đế đã cho người tìm kiếm các phương thuốc trường sinh, luyện đan dược...
Đơn cử như từ thời nhà Tần và nhà Hán, nhiều hoàng đế chọn cách uống thuốc trường sinh để "bất tử". Chính vì vậy, ngộ độc thuốc đã trở thành một trong những căn bệnh phổ biến của các vị hoàng đế. Ngộ độc cũng được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các vị hoàng đế có tuổi thọ ngắn ngủi.