Dân Việt

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận

Bùi Phụ 28/10/2023 10:00 GMT+7
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, chuyển đổi số để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế...

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ thông tin

Ngày 27/10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Bình Thuận có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Người Chăm Bình Thuận trong một tiết mục múa truyền thống tại lễ hội ở TP Phan Thiết. Ảnh: NT

Theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, mục tiêu của Kế hoạch là hỗ trợ và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách hỗ trợ của Chương trình trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó là nâng cao khả năng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc này sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường giao tiếp hai chiều giữa người dân về công tác dân tộc và tổ chức quản lý Chương trình từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình. Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền…

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2025 có 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá.

Theo đó, toàn bộ việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống.

Kế hoạch cũng yêu cầu 100% cán bộ quản lý các cấp thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyển đổi số, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số, công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số.

Toàn bộ các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai. Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, toàn bộ các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số. Các cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến.

Đưa lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số vào bảo tồn công nghệ số

UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các cơ quan quản lý ngành dân tộc triển khai kế hoạch được nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, tổ chức triển khai.

Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua việc triển khai kế hoạch.

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc miền núi xã Phan Dũng huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận thu hoạch nông sản. Ảnh: Bùi Phụ

Từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng dữ liệu số, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu rộng rãi.

UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ngành, địa phương trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai Chương trình các cấp, người dân, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong triển khai các hoạt động của Chương trình.

Song song đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyề, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện chương trình.

Triển khai thực hiện kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình, làm nền tảng lõi cho việc tích hợp các hệ thống thông tin đã và đang triển khai.

Chuẩn hóa quy trình quản lý, chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu đánh giá của từng nhiệm vụ trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp từ trung ương đến cơ sở.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế hóa các quy trình quản lý thành các văn bản hướng dẫn; xây dựng, ban hành quy chế, quy trình vận hành hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu số.

Đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số 

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Bà con dân tộc miền núi ở xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận chăn nuôi bò. Ảnh: Bùi Phụ

UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở ngành liên quan tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý, thực hiện và cán bộ triển khai Chương trình các cấp, các sở, ngành liên quan thông qua các hội nghị, hội thảo.

Tích cực triển khai các chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số do Ủy ban Dân tộc biên soạn và triển khai thực hiện.

Phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi số một số hoạt động của Chương trình có khả năng phát huy hiệu quả, tính lan tỏa cao được các tổ chức, cá nhân quan tâm.

Thực hiện xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức, tổng hợp Chương trình tại 1 huyện, 1 xã và 1 ngành của tỉnh. Từ đó, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình và căn cứ triển khai cho giai đoạn tiếp theo.

Đầu tư nâng cấp hoặc thuê dịch vụ hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin tại cơ quan quản lý chương trình để thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ chuyển đổi số trong quản lý chương trình; đào tạo, vận hành, bảo trì, quản trị, hướng dẫn, xử lý khắc phục sự cố trong quá trình sử dụng. Xây dựng cơ chế, chính sách về bảo mật, an toàn an ninh mạng; thuê hoặc mua thiết bị, giải pháp, dịch vụ vận hành đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Thuận - Ảnh 5.

Bà con dân tộc Chăm xã Phú Lạc huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận chăn nuôi gà thả vườn. Ảnh: Bùi Phụ

Theo ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh sẽ tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số, kết nối mạng internet đến cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thương mại điện tử. 

Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực, nhất là lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế, người dân thực hiện chuyển đổi số.