Anh Nguyễn Quang (giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM) cho biết 2-3 năm trước, lúc kinh tế còn thịnh vượng, công ty của anh có tới gần 500 sale (môi giới). Nhân viên được hưởng chế độ lương cứng mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng. Đồng thời, mỗi sản phẩm được bán thành công, sale sẽ được hưởng hoa hồng.
Tuy nhiên, suốt cả năm qua, công ty nhiều tháng trời không bán được sản phẩm nên anh em sale lần lượt nghỉ việc. Hiện tại, công ty của anh Quang chỉ còn hơn 40 môi giới.
Tương tự, lãnh đạo sàn giao dịch D.K (trụ sở quận 1, TP.HCM) cũng có biết đơn vị đã phải cắt giảm 50% nhân viên môi giới, vì không đủ chi phí hoạt động. Công ty chỉ giữ lại một số nhân sự chủ chốt, các trưởng nhóm bán hàng... để hoạt động cầm chừng. Chờ khi thị trường diễn biến tích cực hơn sẽ tuyển dụng thêm.
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét ở khắp các địa phương cả nước. Số lượng môi giới hoạt động hiện chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Tuy nhiên, các tháng cuối năm 2023, thị trường địa ốc bắt đầu chuyển dịch, các công ty môi giới, sàn giao dịch bắt đầu nhộn nhịp nhận được giỏ hàng mới từ các dự án. Điều này đòi hỏi công ty phải gấp rút bổ sung nhân lực để triển khai các chiến lực bán hàng.
Tại TP.HCM, một số công ty đã bắt đầu đăng thông báo tuyển dụng từ hàng chục đến hàng trăm nhân viên, với nhiều chính sách đãi ngộ trong bối cảnh nhiều dự án sẽ ra mắt cuối năm nay.
Anh Nguyễn Quang cho biết bộ phận nhận sự của công ty đã phải tuyển dụng môi giới gấp với số lượng từ 100-200 người, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ. Công ty ưu tiên các môi giới có kinh nghiệm, thâm niên để nhận việc là bắt tay vào làm luôn, không phải mất thời gian đào tạo.
"Cuối năm là giai đoạn đón sóng đầu tư của khách hàng, nên công ty nào cũng tranh thủ dồn tổng lực để bán hàng. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh này. Tuy nhiên, nhiều môi giới sau khi nghỉ việc đã tìm được nơi làm mới nên rất khó thuyết phục họ quay trở về nghề cũ. Công ty tôi phải cam kết các chính sách về lương, hoa hồng, phụ cấp... hấp dẫn để tuyển dụng nhân sự", ông N.H - Tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản tại TP.HCM cho hay.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Minh Tâm (35 tuổi) cho biết mình vừa quay trở lại làm nhân viên môi giới. Trước đó, anh Tâm đã phải nhảy việc để đi bán bảo hiểm ô tô.
"Quản lý nhân sự ở công ty cũ liên tục gọi, cùng với các cam kết về phúc lợi, chế độ tốt hơn đã thuyết phục được tôi. Dù sao, tôi cũng có hơn 7 năm gắn bó với nghề môi giới nên vẫn còn rất yêu nghề", anh Tâm cho hay.
Các chuyên gia đánh giá, nhiều công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản tuyển dụng mới để khởi động hệ thống, chạy lại các chương trình bán hàng cho chủ đầu tư, nhất là các dự án căn hộ phục vụ nhu cầu ở thật. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng môi giới vẫn chưa thật sự nhiều, bởisố lượng dự án bán ra trên thị trường vẫn còn rất "nhỏ giọt".
Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho thấy các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Một số đơn vị đã tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh thành công, và bắt đầu triển khai các dự án mới khi đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.
Các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng nhân sự để triển khai các kế hoạch bán hàng. Tuy nhiên, làn sóng tuyển mới chỉ bắt đầu ở các sàn lớn, bán hàng cho các chủ đầu tư có tiềm lực. Tại các sàn và công ty nhỏ, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.