Hiện, anh Nghĩa đang trồng dưa lưới trên nền đất khoảng 1 ha và liên kết với nông dân trong, ngoài tỉnh Tây Ninh trồng 5 ha dưa lưới.
Anh Nghĩa kể, mình xuất thân trong một gia đình rặt nông dân ở Tây Ninh. Năm 2012, anh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, rồi xin làm nghiên cứu sinh tại một trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở TP.
Với vốn liếng về làm nông công nghệ cao, năm 2018, anh trở về quê, tận dụng mảnh vườn nhà ở xã Trà Vong (huyện Tân Biên) khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao.
Theo anh Nghĩa, mặc dù với vốn kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao "đầy mình", nhưng khi bắt tay vào thực tế, việc trồng dưa lưới giai đoạn đầu gặp khá nhiều khó khăn do quy trình, kỹ thuật trồng chưa hoàn chỉnh.
Sau nhiều lần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mẻ dưa lưới đầu tiên của anh Nghĩa cũng đã xuất trại.
Anh Nghĩa cho biết, thay vì xây nhà màng rồi trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa như nhiều nông dân đang làm, anh lại trồng dưa lưới trực tiếp trên đất.
"Trồng dưa lưới trên đất đã được xử lý thì quả dưa được cung cấp đủ dinh dưỡng hơn so với phương pháp trồng trên giá thể", anh Nghĩa chia sẻ.
Theo đó, trồng dưa lưới trên nền đất không chỉ hạn chế chi phí, như nước tưới, giảm lượng phân bón, mà còn cho trái dưa có độ giòn và ngọt hơn so với dưa trồng trên giá thể.
Đem chia sẻ điều này với một số kỹ sư nông nghiệp ở TP.HCM, các ý kiến cũng đồng thuận là không chỉ cây dưa lưới mà tất cả các cây trồng nếu trồng trên nền đất mới cho chất lượng tốt nhất so với khi trồng trên giá thể hoặc trồng thủy canh, khí canh… Bởi, chỉ trong đất cây mới hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng để cung cấp nuôi trái.
Hiện, anh Nghĩa vẫn trung thành với lối trồng dưa lưới này. Anh chỉ trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng trong thời gian chờ xử lý đất trong trại để tối ưu chi phí đầu tư.
Theo đó, sau hai vụ trồng dưa lưới trên nền đất, đất sẽ được phủ bạt nilon để xử lý. Khâu xử lý đất khá công phu.
Sau thời gian phủ bạt nilon để hạn chế cỏ và sâu bệnh ảnh hưởng đến cây dưa lưới, anh Nghĩa còn dùng các chế phẩm vi sinh để diệt mầm bệnh trong đất và bổ sung thành phần hữu cơ gồm phân chuồng ủ hoai và phân trùn quế cho đất.
Anh Nghĩa cho biết, đất trồng dưa lưới sau khi xử lý xong đưa vào trồng phải sạch bệnh, giàu dinh dưỡng, tơi xốp, dễ thoát nước…
Theo anh Nghĩa, quan trọng nhất khi trồng dưa lưới là khi cây con đến giai đoạn cho trái (khoảng 25 ngày). Trong giai đoạn này, dưa lưới hay bị bọ trĩ, bọ phấn trắng phá. Khi cây dưa nở ra (23-25 ngày tuổi), anh Nghĩa thả ong vào trại trồng dưa để giúp hoa thụ phấn cao, tỷ lệ đậu trái tốt. Khi dưa đậu trái, anh Nghĩa đem tổ ong ra ngoài.
Anh Nghĩa thổ lộ, anh ấp ủ khởi nghiệp với nghề trồng dưa lưới từ những năm lập nghiệp ở TP.HCM. Khi đó, anh nhận thấy trái dưa lưới được các chuỗi siêu thị bán với giá khá cao và có phân khúc thị trường nhất định.
Hiện, anh Nghĩa đã xây dựng thương hiệu dưa lưới Fagri và dưa lưới OCOP 3 sao cho sản phẩm dưa lưới của mình.
Ngoài việc trồng, anh Nghĩa cũng đã liên kết với một số hộ dân trong và ngoài tỉnh Tây Ninh trồng dưa lưới.
Hàng tuần, các hộ trồng dưa lưới luân phiên xuống giống hoặc thu hoạch trái cung cấp hệ thống phân phối đều đặn khoảng 70 tấn trái/tháng theo đơn đặt hàng.
"Việc tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của tôi chủ yếu là các kênh siêu thị. Ngoài ra, việc bán dưa lưới còn thông qua các nhà cung ứng, các shop bán hàng, khách bán lẻ và chợ điện tử", anh Nghĩa cho biết.
Theo anh Nghĩa, thời gian tới, anh sẽ nhân rộng mô hình, không chỉ trồng dưa lưới mà còn các giống rau ăn trái ngoại nhập.
Hội Nông dân xã Trà Vong đánh giá, mô hình trồng dưa lưới trên nền đất của anh Nghĩa là mô hình đạt hiệu quả kinh tế rất tốt. Mỗi năm, anh Nghĩa có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Nghĩa còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.