Vùng đất Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vốn phèn lại còn là vùng trũng, hễ mưa là ngập úng khiến việc canh tác nông nghiệp khó khăn. Ban đầu, người dân nơi đây trồng lúa và hoa màu nhưng không đạt hiệu quả kinh tế cao, dẫn đến đời sống khó khăn.
Từ năm 2010, ngành nông nghiệp thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp bằng cách giúp nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương. Qua tìm hiểu thổ nhưỡng, biết đất phèn nơi đây phù hợp với cây bưởi, bà con nông dân lựa chọn cây bưởi da xanh để trồng khi được địa phương hỗ trợ về vốn và các chính sách kinh tế.
Đến xã Phạm Văn Hai từ năm 2011, bà Bà Hà Thị Bưởi canh tác lúa trên diện tích 30.000m2 , tuy nhiên không có năng suất cao. Qua tìm hiểu và được tư vấn của cán bộ Hội nông dân xã, gia đình bà chuyển sang trồng bưởi. Bà chia sẻ: "Bưởi da xanh ở đây rất ngọt và giòn do thổ nhưỡng đất phèn và nước phèn, giá trị sản phẩm rất cao".
Dẫu điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi và cho giá thương phẩm tốt nhưng việc trồng bưởi đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Được sự hướng dẫn từ Hội nông dân, bà con tiến hành sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, giúp cây bưởi phát triển tốt, trái ngon, ngọt hơn.
"Đất ở đây phải cải tạo, tuy được nguồn nước và chất đất, nhưng phải dùng phân hữu cơ để hạ phèn. Cây bưởi được bón nhiều phân hóa học thì chất lượng không được ngon", bà Bưởi chia sẻ.
Tuy nhiên, vùng đất này khá trũng, hễ mưa là ngập úng khiến nông dân gặp khó khi cây giống chết vì ngập nước. Đáng chú ý, đất ở đây nắng rất cứng, nhưng mưa rất nhũn, nên phải có hệ thống tưới tiêu, bờ bao, và máy bơm. Tuy cây bưởi này ưa nước nhưng không chịu được úng, ngập 1-2 ngày là chết hết. Khi mưa lớn, người ta phải bơm thoát nước, không để ngập gốc cây quá 1 ngày.
Với chính sách của thành phố, nơi đây thực hiện quy hoạch lại hệ thống tưới thoát nước phòng úng ngập và rửa chua, xả phèn. Cùng với đó, nông dân cũng quy hoạch hệ thống tưới tiêu cho vườn với máy bơm và các bờ bao phù hợp. Mương thoát và tiêu nước có chiều rộng từ 1-2m, liếp có chiều ngang từ 5-8m và xung quanh vườn có bờ bao kiên cố để bảo vệ cây trồng khi có mưa, lũ.
Thu hoạch hơn trăm tấn bưởi vẫn không đủ nhu cầu khách hàng
Dựa vào kinh nghiệm và khả năng học hỏi, tiếp thu vận dụng kiến thức khoa học, quy trình, kỹ thuật được chuyển giao từ địa phương, các nhà vườn ứng dụng vào thực tế sản xuất để từng bước tạo hiệu quả canh tác.
Không chỉ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để trồng bưởi đạt hiệu quả trên vùng đất phèn, bà Bưởi cùng nhiều bà con nơi đây còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất bưởi an toàn. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Chủ tịch HTX Bưởi Trường Xuân có diện tích 50.000 m2 trên địa bàn xã Phạm Văn Hai cho biết:"Mình thu trên 100 tấn/năm và bưởi nhà mình ra đến đâu hết đến đó, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng phân hữu cơ là chính và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dùng hệ thống đèn để bắt bướm nên không dùng thuốc. Thu hoạch trên 100 tấn/năm, hiện tại giá 35.000 đồng/ký, thu khoảng hơn 3,5 tỷ".
Trong khi đó, bà Hà Thị Bưởi trồng với 2.000 gốc cũng thu hoạch cho thu hoạch 30 tấn mỗi năm. Với giá bán thị trường, bà thu về hơn 1 tỷ. Trừ các chi phí, bà dư 800-900 triệu mỗi năm nhờ vườn bưởi. Với vị ngọt, giòn đặc trưng, các mối hàng luôn đặt cọc sẵn nên gia đình bà an tâm về đầu ra cho sản phẩm.
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng bưởi da xanh trên vùng đất phèn Bình Chánh, nông dân xã Phạm Văn Hai làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp và ứng dụng kỹ thuật hệ thống tưới tiêu xả phèn canh tác một cách hiệu quả. Nhờ đó, xã Phạm Văn Hai tạo nên thương hiệu bưởi da xanh nức tiếng cả nước.