Mày mò chế tạo máy gieo rau mầm, nông dân Sài Gòn thu mỗi năm vài chục tỷ

Lê Giang Thứ sáu, ngày 22/09/2023 07:45 AM (GMT+7)
Tự mày mò nghiên cứu, ông Lê Văn Bạo ở Hóc Môn (TP.HCM) chế tạo thành công máy gieo rau mầm trên khay cho năng suất gấp 10 lần, từ đó doanh thu vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Ai cũng có thể vận hành máy gieo rau mầm

Ông Lê Văn Bạo sinh năm 1966 ngụ ấp 6, xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vốn nổi tiếng với nghề trồng rau mầm. Việc áp dụng mô hình chất lượng VietGAP theo hướng hữu cơ nông trại với 2.000m2 trồng rau mầm cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng. Ông Bạo từng đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi TP.HCM" từ năm 2017 – 2021.

Mày mò chế tạo máy gieo rau mầm, nông dân Sài Gòn thu nhập khủng  - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Bạo tạo được thương hiệu với các sản phẩm rau mầm đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP theo hướng hữu cơ nông trại. Ảnh: Lê Giang

Theo ông Bạo, nhu cầu thị trường rau mầm sạch ngày càng tăng. Trại rau mầm của ông có những thời điểm không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng dù thuê thêm nhân công. Điều đó thôi thúc ông tìm hiểu để chế tạo ra máy gieo mầm nhằm tăng năng suất và giảm chi phí nhân công.

Ban đầu, ông Bạo tốn nhiều thời gian tìm tòi và nghiên cứu các máy móc gieo hạt của nhiều nước để tìm ra nguyên lý hoạt động. Sau này, ông tham khảo máy gieo mầm của Nhật đang có trên thị trường, từ mô hình đó ông chuyển qua cách vận hành phù hợp với thực tế sản xuất của mình nên đơn giản và hiệu quả hơn. Đặc biệt, ai cũng có thể vận hành máy, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Mày mò chế tạo máy gieo rau mầm, nông dân Sài Gòn thu nhập khủng  - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Bạo và máy gieo mầm trên khay bán tự động do mình chế tạo. Ảnh: Lê Giang

"Mô hình của tôi trước đây sản xuất thủ công nên năng suất thấp, từ khi nghiên cứu máy gieo hạt trên khay, năng xuất tăng cao, chất lượng đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Bạo chia sẻ.

Bên cạnh đó, giá thành chế tạo ra máy gieo mầm của ông Bạo rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 máy Nhật. Toàn bộ chi phí chế tạo máy gieo mầm của ông chỉ hơn 50 triệu đồng.

Năng suất gấp 10, thu nhập khủng

Theo ông Bạo, cấu tạo máy được chia thành các bộ phận riêng biệt: bồn chứa đất và giá thể xơ dừa, bồn chứa hạt giống, giá để khay, bàn xoa, và đường truyền khay… Cơ chế vận hành của máy gieo mầm khá đơn giản. Sau khi khởi động máy, đất và giá thể được trộn sẽ được tự động đưa vào khay, khi đó "mắt thần" quyét hạt giống sẽ được gieo đều trong khay, sau đó qua bàn xoa để làm bằng và đều mặt khay.

Mày mò chế tạo máy gieo rau mầm, nông dân Sài Gòn thu nhập khủng  - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Bạo giới thiệu cơ chế hoạt động của máy gieo mầm trên khay. Ảnh: Lê Giang.

"Trước đây sản xuất 500 – 600 kg/ngày khách hàng yêu cầu 1 tấn chúng tôi không đáp ứng được. Khi có máy rồi thì 1- 2, tấn chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng. Máy của chúng tôi làm trong 1 tiếng có thể lên 800 khay, ứng với 800 kg. Khi nghiên cứu được máy thì năng suất cao và giá thành giảm xuống", ông Lê Văn Bạo cho biết.

Trung bình mỗi khay cho ra khoảng 1kg rau mầm sau từ 5 đến 7 ngày gieo trồng, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg rau cải, 60.000 đồng/kg rau muống. Nếu máy hoạt động hết công suất trong 8 tiếng/ngày có thể đạt 6,4 tấn mỗi ngày nếu đầu đầu ra đảm bảo. Một máy chỉ cần 2 – 3 người vận hành.

Bên cạnh đó, một yếu tố quyết định, theo ông Bạo, là kết hợp với hạt giống được nhập khẩu từ New Zealand độ an toàn và năng suất rất cao, tỷ lệ nảy mầm trên 90%. 

Máy móc khiến sản lượng tăng cao, nhờ đó chi phí và giá thành giảm, các sản phẩm của ông cạnh tranh cao với đối thủ để chiếm thị phần tại các hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn. Nhờ đó doanh thu mang cho ông khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Mày mò chế tạo máy gieo rau mầm, nông dân Sài Gòn thu nhập khủng  - Ảnh 4.

Các sản phẩm rau mầm gieo bằng máy ra chất lượng và sản lượng tốt giúp mô hình sản xuất của ông Lê Văn Bạo có doanh thu cao gấp nhiều lần trước đây. Ảnh: Lê Giang

Đánh giá cao sự sáng tạo trong nghiên cứu và cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp của ông Bạo, ông Huỳnh Vân Dương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: "Máy móc hộ ông Bạo này tự chế tạo ra để phục vụ sản xuất hộ gia đình từ đó giảm công lao động tăng năng suất. Mô hình này cần nhân rộng ở địa phương để tăng thu nhập cho nông dân xã".

Bên cạnh việc chế tạo máy để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình, ông Bạo cũng mong muốn chuyển giao công nghệ nếu khách hàng có nhu cầu. Theo kế hoạch, ông sẽ cải tiến thêm để từng bước thâm nhập thị trường và khẳng định vị thế ở mặt hàng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem