Dân Việt

Từ vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh dùng bằng giả: Gian dối để thăng tiến sẽ bị xử lý nghiêm

PVCT 30/10/2023 13:51 GMT+7
Trước ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh vi phạm dùng bằng giả, đã có nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo khi bị phát hiện sử dụng bằng giả đã bị xử lý nghiêm.

Như Dân Việt thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh kết luận: Ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch; ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy Công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.

Từ vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh dùng bằng giả: Gian dối để thăng tiến sẽ bị xử lý nghiêm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị kết luận dùng bằng giả. Ảnh Đ.X

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã biểu quyết xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trước đó vào năm 2021, ông Đàm Quang Vinh, cựu Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cựu Bí thư Đảng uỷ, cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai bị phát hiện sử dụng Bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước. Ông này đã bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng; bị Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kỷ luật buộc thôi việc.

Trước nữa có trường hợp cựu thượng tá Thái Đình Hòa, cựu Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tỉnh Lai Châu bị khai trừ Đảng và tước danh hiệu Công an nhân dân khi phát hiện sử dụng bằng giả.

Hồi tháng 3/2021 một vụ việc cũng được dư luận quan tâm đó là 9 cán bộ bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp ở huyện Ia Pa, Gia Lai.

Đáng nói, các cán bộ này chỉ bị phát hiện dùng bằng giả trong quá trình chuẩn bị nhân sự ứng cử Đại biểu HĐND. Những trường hợp này đã bị kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Vào tháng 6/2022, ông Trần Cao Thành, khi đó là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) bị buộc thôi việc vì cố ý sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.

Có thể thấy, trường hợp cán bộ dùng bằng giả bị phát hiện đã không phải là hi hữu mà đã xảy ra ở nhiều địa phương, ở nhiều lĩnh vực.

Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói: Người có hành vi dùng văn bằng, chứng chỉ giả để được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị hay người đã là cán bộ công chức dùng nó để thăng tiến leo lên vị trí công tác cao hơn thì đều là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật. Cán bộ công chức dùng bằng giả để được đề bạt, bổ nhiệm là sự gian dối trước Đảng, trước tổ chức, cơ quan mình công tác.

"Trong quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều có quy định để xử lý hành vi gian dối này, và hành vi này bị xử lý rất nghiêm minh", ông Lê Như Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, đã là cán bộ đảng viên thì phải trung thực, trước hết với bản thân, sau đó với cơ quan, tổ chức, với nhân dân. Cán bộ đã không trung thực với chính mình, với tổ chức thì không thể nào trung thực và tròn trách nhiệm trước nhân dân, không thể vì nhân dân.

Vẫn theo ông Tiến, việc cán bộ dùng bằng giả để thăng tiến rất nguy hại. "Thứ nhất, khi anh thăng tiến lên được chức vụ công tác nào đó, đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ nặng nề hơn; người dùng bằng giả không có kiến thức hoặc kiến thức yếu và lĩnh vực đó thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai, sự gian dối để thăng tiến dẫn tới việc tổ chức đánh giá sai cán bộ, mất đi cơ hội của người có tiêu chuẩn hơn, xứng đáng hơn.

Người đã không trung thực thì không đủ tư cách làm cán bộ. Người gian dối thì sẽ không đưa ra những quyết sách đúng đắn, không thể đưa địa phương hay lĩnh vực mình phụ trách phát triển, phù hợp nguyện vọng của nhân dân", ông Lê Như Tiến nói.

Ông Nguyễn Công Thắng, sinh năm 1983, ở phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Trong quá trình công tác, cuối năm 2007, từ vị trí Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công Thương Việt Nam tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Thắng chuyển sang làm chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 9/2008, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh. Sau khoảng một năm, tháng 10/2009, ông giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh.

Từ tháng 4/2013 đến nay, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ định ông Nguyễn Công Thắng (lúc đó 32 tuổi) làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 4 năm sau, tháng 12/2019, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh khi mới 36 tuổi.

Tháng 4/2022, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.