Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, so với kỳ họp trước, đến nay việc thực hiện các Chương trình MTQG đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là cơ chế chính sách để ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản được giải quyết xong. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.
Sau khi nghe ý kiến các đại biểu quốc hội, Phó Thủ tướng giải trình làm rõ một số vấn đề. Cụ thể:
Thứ nhất, về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan từ các Nghị định đến thông tư, chính sách chỉ đạo riêng… đều tuân thủ nguyên tắc này, và thực sự đã đem lại kết quả thiết thực. Bởi theo Phó Thủ tướng, chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất.
Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.
Thứ hai, về tỷ lệ vốn trung ương – địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.
Thứ ba, về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay, tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt 13.000 tỷ đồng, mà chủ yếu là vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao. Nên nếu bị cắt nguồn vốn này thì Chính phủ cũng rất băn khoăn, lo lắng, tuy nhiên mong Quốc hội xem đây là trường hợp hết sức đặc biệt để các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được thực hiện, mang lại lợi ích cho người dân.
Thứ tư, về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.
Thứ năm, không muốn đạt chuẩn hay đạt chuẩn NTM thì sẽ mất đi nguồn lực, hay tương tự đó là nếu thoát nghèo rồi thì mất chính sách. Phó Thủ tướng cũng thừa nhận có tình trạng này, do đó Chính phủ mong muốn điều chỉnh chính sách sao cho sau khi chương trình kết thúc thì người dân có động lực để tự vươn lên, và mong chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cũng vận động bà con, những người được hưởng chính sách phải có tâm thế mới hơn, tích cực hơn để vượt qua sự ỷ lại thì chúng ta mới có kết quả tốt đẹp.
Thứ sáu, đó là vấn đề chất lượng của sự đầu tư, chất lượng của sự hỗ trợ. "Chúng ta đang nghĩ làm sao để tiêu được tiền nhưng vấn đề chất lượng cũng rất quan trọng. Do đó, giải pháp mà Chính phủ đưa ra là sẽ quan tâm, sẽ cùng với các đại biểu quốc hội, các địa phương điều chỉnh chính sách cho hợp lý cộng với kiểm tra giám sát, cộng với tuyên truyền vận động để chúng ta có chất lượng tốt hơn đúng như kỳ vọng mà chúng ta mong muốn" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.