Thống kê 28 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng này đạt trên 59.600 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 28 ngân hàng được thống kê, 17 ngân hàng có lợi nhuận quý III đi lùi so với cùng kỳ, với mức sụt giảm từ 3,9% đến 7,6%.
Trong đó, Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế kỳ này "bốc hơi" mạnh nhất lên tới 76%. Lợi nhuận của Eximbank giảm mạnh chủ yếu là do nguồn thu chính của nhà băng này sụt giảm đến 42% trong kỳ, khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 51%, chỉ còn gần 477 tỷ đồng; Thêm vào đó, quý này Eximbank chuyển từ hoàn nhập 296 tỷ đồng sang trích lập dự phòng hơn 170 tỷ đồng.
Tiếp đến là Bắc Á Bank (mã: BAB) với mức giảm gần 73%. Loạt ngân hàng theo sau có lợi nhuận suy giảm trên 60% như PGBank (60%); VietBank (66,2%); ABBank (66,3%); VietABank (67%); BVBank (67,6%).
Chiều ngược lại, 11 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương với mức độ tăng giao động từ 0,6% đến 49,1%.
OCB là nhà băng gây bất ngờ khi dẫn đầu tốc độ tăng trong quý III; tiếp đó là KLBank và Sacombank. Ngược lại, tăng khiêm tốn nhất trong nhóm này là LPBank, với mức tăng 0,6%.
Xét con số tuyệt đối, Vietcombank dẫn đầu với hơn 9.000 lợi nhuận trong quý III/2023, tăng 19,6%. MBB và BIDV nằm trong TOP 3 với con số lợi nhuận lần lượt là 7.284 tỷ đồng và 5.893 tỷ đồng.
Vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý III/2023 còn có TCB, ACB, CTG, HDB, VPB, VIB và SHB.
Lũy kế 9 tháng, tổng lợi nhuận 28 ngân hàng có được "bốc hơi" 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 2%), với trên 187.500 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, có 6 ngân hàng lợi nhuận nghìn tỷ với tổng lợi nhuận trước thuế làm ra của nhóm này lên tới gần 120.000 tỷ đồng (chiếm 63% tổng lợi nhuận của 28 ngân hàng được thống kê).
Trong đó, vị trí quán quân về lợi nhuận 9 tháng vẫn là Vietcombank với gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Quân đội (MBB) gây bất ngờ với con số lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 9 tháng đầu năm 2022. Với kết quả này, MBB "vượt mặt" loạt "ông lớn" như Techcombank, VPBank, VietinBank và BIDV để trở thành nhà băng đứng TOP 2 về lợi nhuận ngành trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Techombank là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 2 với trên 20.800 tỷ đồng, tuy nhiên khoản thu này chỉ còn 17.100 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay (giảm 17,8%). Tương tự, lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm của VPBank giảm tới 58%, mang về gần 8.300 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, BVBank là nhà băng đang ghi nhận tốc độ giảm lợi nhuận lớn nhất lên tới 85%. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của BVBank chỉ đạt 61 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là trên 420 tỷ đồng.
Ngược lại, Sacombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng 9 tháng tốt nhất (tăng 54%). 9 tháng nhà băng này báo lãi trước thuế 6.840 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 4.440 tỷ đồng.
Thống kê cũng cho thấy, hiện có một ngân hàng duy nhất ghi nhận thua lỗ sau 9 tháng là NCB với khoản lỗ lũy kế 9 tháng 230 tỷ đồng.
Điểm chung của hầu hết các ngân hàng có tăng trưởng dương về lợi nhuận đó là, thu nhập từ hoạt động cho vay của các ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm nay đều cao hơn so với cùng kỳ. Chẳng hạn như Vietcombank nguồn thu này đạt trên 83.000 tỷ đồng, tăng gần 33%; Sacombank thu nhập thuần từ lãi cũng tăng vọt 48% hay như BIDV thu nhập lãi thuần cũng tăng 9% so với cùng kỳ,…
Với một số nhà băng có lợi nhuận đi lùi, lý do lãi suất tiết kiệm cuối năm 2022, đầu năm 2023 tăng cao đã ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM), khiến lợi nhuận 9 của ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 đối với các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, với 66,7 - 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3 - 74,8% của kỳ điều tra trước), đồng thời số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh suy giảm tăng lên.
Trong năm 2023, có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận suy giảm và 3,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.
Ngân hàng nào có nhiều khả năng bứt tốc trong các tháng cuối năm?
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB hay MBB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng, cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.