Dân Việt

Đại biểu Quốc hội: "Thiếu thuốc, vật tư y tế do lỗi của cơ quan nhà nước"

Quỳnh Nguyễn 31/10/2023 18:44 GMT+7
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này.

Thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương

Góp ý về về lĩnh vực y tế trong bài phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị Chính phủ có những bổ sung về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế.

Đại biểu Quốc hội: "Thiếu thuốc, vật tư y tế do lỗi của nhà nước" - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Theo bà Lan, ngoài việc thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân. Cập nhật danh mục thuốc để cho bệnh nhân có thể kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại cũng rất chậm nếu so với các nước. 

Đơn cử đối với các nước như Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng chúng ta mất trung bình từ 2 tới 4 năm để cho 1 loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế và như vậy mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế.

Nữ đại biểu đoàn TP.HCM cũng nêu vấn đề trước đây và bây giờ cũng vẫn còn xảy ra lác đác, đó là bệnh nhân phải tự mua thuốc.

"Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta", bà Lan nêu.

Bà Lan cũng đề nghị có bổ sung tình hình chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm để giải quyết một số những bệnh đặc biệt, một số trường hợp đặc biệt; việc thiếu vaccine cho tiêm chủng mở rộng diễn ra tại nhiều địa phương và chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế.

"Hiện nay có thể thấy các khó khăn thì không phải chỉ là từ yếu tố khách quan, không phải chỉ từ chuyện thiếu tiền hay thiếu nhân lực mà đôi khi còn là do các quy định, các thủ tục của chúng ta quá phức tạp, nó đá nhau và chậm sửa đổi", theo bà Phạm Khánh Phong Lan.

Nhấn mạnh khó khăn không chỉ từ yếu tố khách quan thiếu tiền, thiếu nhân lực mà đôi khi do quy trình thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung báo cáo phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ.

Đại biểu Quốc hội: "Thiếu thuốc, vật tư y tế do lỗi của nhà nước" - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương). Ảnh: QH

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cũng cho biết, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. 

Bà Xuân đề nghị, cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế. 

"Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này", theo bà Xuân.

Thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế

Góp ý về lĩnh vực đào tạo ngành y, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, việc các trường mở rộng ngành đào tạo, đặc biệt ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết vì sẽ bổ sung một lượng lớn nhân sự, phục vụ trong lĩnh vực y tế.  Tuy nhiên nếu chúng ta làm không chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì chất lượng đầu ra sẽ có sự khác biệt về năng lực của bác sĩ và sẽ là sự không công bằng với sức khỏe của người dân.

Đại biểu Quốc hội: "Thiếu thuốc, vật tư y tế do lỗi của nhà nước" - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: QH

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra đến năm 2030 đạt 19 bác sĩ/vạn dân. Để đào tạo được 1 bác sĩ có thể hành nghề được theo quy định hiện nay phải mất tối thiểu 7 năm rưỡi, còn nếu để một bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị tuyến tỉnh cũng phải mất gần 10 năm, đây thực sự là một thách thức lớn với ngành y tế.

Trong những năm gần đây, một số trường đa ngành không chuyên về đào tạo sức khỏe cũng đã và đang có xu hướng lấn sân mở mã ngành đào tạo lĩnh vực đặc thù này. Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội trong bức tranh thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ. 

"Nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ có chất lượng chuyên môn tốt sẽ giúp nâng cao được công tác khám bệnh, chữa bệnh và dự phòng bệnh tật. Ngược lại, nếu chất lượng nhân viên y tế thấp thì sẽ tăng tỷ lệ sai sót, sự cố y khoa và làm giảm chất lượng y tế", bà Thu lo ngại.

Nữ đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của Nhà nước; có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.

Đồng thời, cần phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hàng năm về năng lực đào tạo của các trường có ngành đào tạo y, dược. Nếu không đủ năng lực thì phải cho ngừng hoạt động lĩnh vực này. Thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định, trước hết bảo đảm bảo quyền lợi sức khỏe của người dân, tiếp đến đảm bảo quyền lợi cho người học.