Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn tỉnh Lạng Sơn) nói những kết quả đạt được trong năm 2023 rất đáng trân trọng, nhưng ông lo ngại trong 5 chỉ tiêu chưa đạt, chỉ tiêu tốc độ năng suất lao động - năm thứ 3 liên tiếp không đạt.
"Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018", đại biểu Nghĩa nói và đề nghị Chính phủ xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt với chỉ tiêu này.
Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát các nhóm giải pháp, nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo, xác định giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải.
Trong đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 01/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Cũng liên quan đến người lao động khu vực tư, theo ông Nghĩa, Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).
"Sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần", đại biểu Nghĩa cho biết.
Việc giảm giờ làm việc, ông Nghĩa nhấn mạnh, "là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới".
Nhằm phản ánh thực trạng tình hình góp phần xây dựng hoàn thiện đồng bộ, toàn diện hơn về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhận định, 9 tháng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra. Ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia tiến độ, lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất kiến nghị một số giải pháp.
Trong đó, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.