Cuộc sống của Lưu Quang Vũ tuy ngắn ngủi nhưng ông đã sống và làm việc hết mình, đã có những đóng góp không nhỏ cho đời sống văn học dân tộc ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, kịch, lý luận phê bình sân khấu... Cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi đột ngột của ông cùng người bạn đời – nhà thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một sự kiện trong giới văn nghệ. Năm 2000, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm của ông đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tài năng sáng tạo của ngòi bút Lưu Quang Vũ đã được ghi nhận ngay từ những chặng đường đầu tiên mới bước vào nghề.
Lưu Quang Vũ đã góp phần đem đến cho sân khấu những năm 80 của thế kỷ XX một sức sống mới. Lưu Quang Vũ đã kết hợp và phát huy được những thế mạnh của mình khi đến với loại hình nghệ thuật có tính chất tổng hợp như sân khấu. Kịch của Lưu Quang Vũ khai thác nhiều đề tài, đi vào khám phá muôn mặt của đời sống xã hội và con người.
Nền sân khấu Việt Nam đã mau chóng trưởng thành và thu được những thành tựu rực rỡ, từ thực tế đó một đội ngũ diễn viên sân khấu đã được rèn luyện và trưởng thành. Đó là một vườn hoa muôn màu muôn sắc, mà mỗi bông hoa lại mang một dáng vẻ riêng. Cuốn sách này nhằm giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về những diễn viên ưu tú tiêu biểu qua các thời kỳ (tuy chưa đầy đủ), về tâm tư tình cảm cũng như tài năng diễn xuất của họ. Đây là tập hợp, chọn lựa những bài viết của Lưu Quang Vũ đã in trên tạp chí Sân khấu vào những năm 70 của thế kỷ XX và đã được in phần nào trong cuốn Diễn viên và sân khấu của Nhà xuất bản Văn hóa năm 1979. Chúng ta sẽ thấy ở đây những bức tranh phác thảo về chân dung, cũng như về quá trình đào tạo, rèn luyện và kinh nghiệm biểu diễn của các diễn viên sân khấu, những tâm sự và ước mong khao khát của họ…
Sách gồm hai phần:
Phần I "Tiểu luận" là những suy nghĩ, tìm hiểu về nghệ thuật diễn xuất và sự hình thành, phát triển của nghệ thuật diễn xuất kịch nói Việt Nam. Người viết đã khái quát khá đầy đủ các chặng đường phát triển của sân khấu kịch nói Việt Nam, nhìn lại một số vấn đề như: Đặc điểm và phong cách của nghệ thuật diễn xuất kịch nói Việt Nam; Thế nào là diễn xuất chân thực, thế nào là ước lệ? Thế nào là bản sắc dân tộc trong kịch?.v.v…
Phần II "Một số chân dung tiêu biểu" gồm 18 chân dung. Các bài viết có giọng điệu đa dạng. Lúc như một cuộc trò chuyện trao đổi tâm tình, lúc bình luận, phân tích sâu sắc thấu đáo, lúc đầy cảm xúc như một truyện ngắn… nhưng bao trùm lên tất cả là cảm hứng ngợi ca, nâng niu, quý trọng các thành tựu của người diễn viên sân khấu Việt Nam.
Nghệ thuật và kinh nghiệm diễn xuất của những gương mặt tiêu biểu của một thế hệ vàng trong nền kịch nghệ Việt Nam đã được phân tích, trình bày một cách kỹ lưỡng, sâu sắc và hấp dẫn. Người nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ đã hoặc sẽ bước vào nghề sân khấu, có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm quý báu. Cuốn sách bước đầu cung cấp một số tư liệu cho những người nghiên cứu sân khấu, nghiên cứu nghệ thuật và những ai ưa thích tìm hiểu sân khấu. Mỗi bài viết trong tập là riêng biệt nhưng khi đọc toàn bộ tập sách, người đọc có thể thấy được muôn mặt của nghề diễn và dáng vẻ khác nhau của nó.
Trong những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, Lưu Quang Vũ đã sống và làm việc hết mình như một bó đuốc rừng rực cháy. Những gì mà Lưu Quang Vũ đã làm được và để lại cho cuộc đời đủ khiến ông "sừng sững như một trái núi, một lực sĩ không đối thủ" (Nhà thơ Anh Ngọc). Với Lưu Quang Vũ, cánh cửa đi vào tương lai đã đóng lại vào ngày 29-8- 1988. Đang ở vào giai đoạn chín trong việc khám phá đời sống và sáng tạo nghệ thuật, Lưu Quang Vũ đã đột ngột ra đi, để lại bao dự định còn dang dở…
Nhân kỷ niệm 75 năm sinh của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (17/4/1948-2023), 35 năm ngày mất (29/8/1988-2023) cùng với những sự kiện có ý nghĩa khác, cuốn sách "Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất" được tái bản bổ sung ra mắt bạn đọc nhằm tri ân và tưởng nhớ một người nghệ sĩ đã có những đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.