Tiếp cận thông tin hay, thay đổi cách sản xuất
Xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có 12 thôn, thì có đến 8 thôn thuộc khu vực biên giới, đời sống đồng bào đặc biệt khó khăn. Để khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế cho đồng bào, lãnh đạo địa phương cho rằng việc tiếp cận được thông tin nhanh nhạy, chính xác giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, phát triển chính trị, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; ...
"Những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thiết bị tivi, radio, điện thoại để tiếp cận thông tin qua các chương trình truyền hình, truyền thanh hay qua điện thoại thông minh", ông Phàn A Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho hay.
Bên cạnh đó, các cách làm hay, mô hình sản xuất tốt cũng được truyền đến bà con qua hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thôn. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thôn, tổ dân phố với 21 xã, thị trấn, với 176 thôn, tổ dân phố có 331 cụm loa truyền thanh luôn phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến toàn thể nhân dân trên địa bàn.
Bà Cồ Thị Nhung – cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội xã Cốc Mỳ cho hay: "Các chương trình phát thanh cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của người dân phù hợp với đối tượng về các chương trình dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương; kiến thức khoa học, kỹ thuật; thông tin liên quan đến trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng; thông tin về gương tập thể, cá nhân điển hình trong các lĩnh vực. Khung giờ phát vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để bà con tiện nghe đầy đủ thông tin".
Những cán bộ văn hóa, xã hội cơ sở như bà Nhung cũng được tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền để có cách truyền tải thông tin hiệu quả đến đồng bào.
Việc tiếp cận thông tin bổ ích là một trong những cơ sở để bà con mạnh dạn vay vốn sản xuất, cùng với việc được hỗ trợ giống cây trồng, đời sống người dân ngày càng khá hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho hay, hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm xuống còn gần 50%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm.
Sáng tạo trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội
Ở huyện Mường Khương, thời gian qua công tác chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả cao, đặc biệt trong việc biến cây chè thành cây hàng hóa mũi nhọn.
Bà Tráng Minh Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) nhớ lại, để tuyên truyền đến bà con nông dân, cần có nhiều sáng tạo. Bên cạnh các kênh tuyên truyền mang tính chất truyền thống như loa phát thanh, tờ rơi, xã Thanh Bình đã sử dụng mạng xã hội một cách chủ động, an toàn, hiệu quả để truyền tải thông tin.
"Chúng tôi có nhiều sáng tạo trong sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và nhất là công tác bảo vệ an ninh, trật tự xã hội", bà Hoa cho hay.
Được biết, huyện Mường Khương với hơn 88% là bà con dân tộc thiểu số, trong đó có 49.800/67.721 người dân có điện thoại di động (chiếm 73,53% dân số). Đến nay, địa bàn huyện cũng có hơn 20 nghìn người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn kết nối internet tham gia một số mạng xã hội phổ biến hiện nay để cập nhật tin tức.
Nhớ lại giai đoạn đầu, để tuyên truyền bà con chuyển đổi cây trồng, cán bộ Đảng viên của huyện Mường Khương đã xuống tận địa bàn "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" cắm bản mấy tháng. Sau đó, huyện triển khai chương trình hỗ trợ vốn đến 4 xã Thanh Bình, Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Sen, hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón, rồi cấp gạo cho bà con trong giai đoạn đầu chuyển đổi trồng chè. Đến nay, cây chè đã phủ xanh bạt ngàn ở các địa phương trên.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cây chè, tìm đầu ra cũng đã khác hẳn ngày trước. Không còn việc cán bộ phải đi gõ từng nhà truyền miệng kinh nghiệm chăm sóc cây chè. Có mặt tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, chúng tôi chứng kiến người dân đang cùng bàn ở trên nhóm chung trên mạng xã hội về cách trồng chè, giá cả, kỹ thuật trồng chuối, dứa, hay cập nhật chủ trương, chính sách của địa phương… mới thấy được mức độ tiếp cận thông tin của bà con đã có nhiều đổi khác.
Bà Tráng Minh Hoa vui mừng nói: "Công tác tuyên truyền tốt, nên giờ đây nhờ có cây chè, người dân Thanh Bình nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ có cây chè, mà tình hình kinh tế của xã không ngừng được nâng cao, an ninh trật tự ổn định và Đảng bộ ngày càng lớn mạnh".
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 phê duyệt Danh sách điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo Quyết định, giai đoạn 2023-2030, phê duyệt danh sách 117 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023 đến năm 2025, bao gồm 69 xã thuộc khu vực III và 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.