Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có chủ đầu tư
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có chủ đầu tư
Thế Anh
Chủ nhật, ngày 29/10/2023 09:38 AM (GMT+7)
Cục Đường sắt Việt Nam đang lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ kết nối từ Ga Nam Hải Phòng đến Ga Cái Lân (Quảng Ninh).
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lựa chọn tư vấn lập báo cáo theo quy định hiện hành.
"Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện trong các năm 2023 - 2025", Bộ GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT đánh giá dự án đường sắt này nhằm bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác; có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng, dài khoảng 380km (kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030.
Thông tin về dự án này, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Cục đang lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ kết nối từ Ga Nam Hải Phòng đến Ga Cái Lân (Quảng Ninh).
Trong đó, tuyến từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng nghiên cứu trước và đoạn từ Ga Nam Hải Phòng - Ga Cái Lân dài khoảng 60km thành dự án riêng để nghiên cứu đầu tư xây dựng.
Theo báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do liên danh tư vấn Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC-JSC) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441km, vận tốc thiết kế tối đa là 160km/h. Hướng tuyến đi qua các tỉnh/thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tàu sẽ chạy từ Ga Lào Cai là điểm đầu, qua Hà Nội, Ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu) và điểm cuối là Ga Hạ Long (cho tàu khách), Ga Cái Lân (cho tàu hàng) trên địa phận của tỉnh Quảng Ninh. Đoạn từ Nam Hải Phòng đi cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn sẽ chạy tàu theo phương thức đường nhánh.
Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5km đi qua các con sông lớn như Sông Hồng, Sông Lô, Sông Bạch Đằng và các chạy qua các đoạn đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, qua các đường quốc lộ và một số đường tỉnh; có 11 hầm với chiều dài khoảng 10km.
Toàn tuyến từ Lào Cai đến Quảng Ninh có 41 ga. Trong đó, 5 ga lập tàu gồm Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân; 10 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương; 5 ga trên cảng biển gồm Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết: "Đường sắt hiện chỉ khai thác được 20 đôi tàu/ngày đêm trên trục Bắc – Nam, chất lượng tàu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách".
"Trong khi các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không, đường biển được đầu tư và phát triển mạnh, nên đường sắt khó cạnh tranh, thị phần giảm cũng dễ hiểu", ông Mạnh chia sẻ.
Theo ông Mạnh, để hút khách trở lại, đường sắt đang tập trung đầu tư cải tạo phương tiện chất lượng hơn, nâng cấp hệ thống ray cho êm thuận (dùng ray liên), nâng tốc độ chạy tàu.
Đồng thời, xây dựng tàu kết nối các đô thị để khách có thể đi về trong ngày, bán vé tháng như giữa Hà Nội với Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định; tổ chức mô hình đón khách tận nhà, trả khách tận nơi. Khai thác hiệu quả hơn loại hình du lịch đường sắt, khi đường sắt Bắc – Nam được xếp là đẹp nhất thế giới. Cùng đó là thực hiện các bước đi cơ cấu lại Tổng công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.