20 năm nuôi cá tra chưa lần nào "treo ao"
Về Phú Tân, hỏi thăm ông Tám Đậu từ thiện (ông Ngô Văn Đậu, SN 1963, ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), hầu như ai cũng biết. Bởi suốt 20 năm qua ông không những là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là người phát tâm làm từ thiện nhiều nhất vùng.
Ông Tám Đậu chia sẻ, ông bắt đầu nuôi cá tra cách nay khoảng 20 năm. Lúc mới nuôi do ít vốn, ít kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi 1 ao 2.000m2. "Ban đầu nuôi cá tra tôi nuôi cá giống, rồi chuyển sang nuôi cá thịt. Cứ tích lũy có lãi là mua thêm đất mở rộng dần diện tích nuôi đến hôm nay là 13 ao, với tổng diện tích khoảng 13ha mặt nước".
Nói nghe thì đơn giản, nhưng quá trình nuôi cá tra của ông Tám Đậu có những giai đoạn cũng rất khó khăn, nhất là những lúc thị trường giá cả không ổn định, lúc lên lúc xuống thất thường.
"Có những năm giá cá đang cao, đến đợt cá tới lứa xuất bán thì lại giảm sâu. Nên nuôi cá tra không có nguồn vốn ổn định sẽ bị lỗ nặng và khó nuôi tiếp tục. Vì nuôi số lượng lớn như tôi, neo ao duy trì đợi giá thì tiền chi phí thức ăn còn cao hơn, nên nhiều hộ nuôi liều bán lỗ thu lại được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu"- ông Tám Đậu chia sẻ.
Tuy nhiên, khác với những hộ nuôi khác, ông Tám Đậu có diện tích nuôi lớn, tự ươm cá giống để nuôi cá thịt nên mỗi năm ông chia ra làm 3 đợt, mỗi đợt nuôi 3 ao xoay vòng. Bên cạnh đó ông có nguồn vốn dự trù từ tích lũy và vay thêm ngân hàng nên suốt 20 năm nuôi cá tra, chỉ có những năm giá cá thấp hòa vốn, chứ chưa năm nào ông phải chịu cảnh thua lỗ phải "treo ao".
Theo ông Tám Đậu chia sẻ, nuôi cá tra chi phí rất cao, mỗi một hầm cá nuôi (khoảng 1.000m2) từ ươm con giống cho đến xuất bán, chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Do đó để chuẩn bị nuôi cá tra trước tiên là phải tính toán thật kỹ thời vụ, chuẩn bị nguồn vốn ngay từ đầu. Nếu nguồn vốn gia đình ít thì vay vốn ngân hàng đầu tư thêm, chứ vay bên ngoài là nuôi sẽ không có lời.
Cứ như thế, suốt 20 năm qua cứ năm nay nuôi cá có lời ông dự trữ nguồn vốn đầu tư nuôi cho năm sau, còn bao nhiêu ông mua đất cho thuê. Lấy đất thế chấp ngân hàng để được cấp định mức vay, dự phòng sẵn nguồn vốn, khi cần rút ra sử dụng.
Hiện nay ngoài 13ha diện tích mặt nước nuôi cá tra, ông Tám Đậu đã tậu được 400 công đất ruộng cho thuê. Mỗi năm tiền cho thuê đất khoảng 1,2 tỷ đồng
Hiện tại ông Tám Đậu đang có 3 cá hầm cá khoảng 1 tháng nữa xuất. Theo ông Tám đậu cho biết, hiện cá tra có giá 26.000 đồng/kg, với giá này thì nếu xuất bán ông chỉ hòa vốn chứ chưa lời. Ông cũng cho biết, đầu năm 2023 giá cá tra 30.000 đồng/kg, ông hy vọng trong những ngày tới giá sẽ tăng .
Lập quỹ từ thiện gia đình để giúp người nghèo khó
Nhắc đến ông Tám Đậu, nhiều người biết ông không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn là một người có tấm lòng thiện nguyện, luôn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm doanh thu của gia đình ông Tám Đậu từ cho thuê đất, lãi nuôi cá tra khoảng trên 2 tỷ đồng. Hiện tại trại nuôi cá tra ông sử dụng 18 lao động ổn định với mức lương khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất của gia đình ông còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ mỗi năm.
Ông Tám Đậu chia sẻ, ông xuất thân trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề làm thuê. Sau khi lập gia đình riêng ở Cà Mau, ông cùng vợ trở về quê ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang sinh sống. Quá trình lao động ông cùng gia đình chịu khó tích góp. Trải qua nhiều gian khó nên ông luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người nghèo, những trường hợp ốm đau, hoạn nạn.
Năm 2009 ông cùng 2 người anh của mình góp tiền mua chiếc xe trị giá 540 triệu đồng để vận chuyển miễn phí người bệnh đầu tiên ở xã Phú Thành. Đến năm 2017, ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe mới trị giá 700 triệu đồng cũng để vận chuyển miễn phí người bệnh đến bệnh viện. Có lúc ông còn sử dụng luôn xe ô tô 7 chỗ của gia đình để vận chuyển người bị đau ốm đến bệnh viện. Để thuận tiện cho việc đưa bà con kịp thời đi cấp cứu, nhiều đêm ông Tám Đậu không ngủ ở nhà (nhà ông cách khu trung tâm khá xa) mà ở ngay tại nhà tạm để kịp thời ứng cứu, đưa người đau ốm đến bệnh viện.
Từ năm 2011, nhận thấy nghề nuôi cá tra có lúc thu nhập bấp bênh, nên nguồn kinh phí dành cho công tác từ thiện xã hội và người nghèo không ổn định, ông quyết định bàn với gia đình gom tiền mua 40 công đất (4ha) trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm Quỹ từ thiện của gia đình. Đến năm 2017 ông mua thêm 50 công đất (5ha) và đến nay Quỹ từ thiện của gia đình ông có tổng cộng 9ha đất ruộng, tiền cho thuê mỗi năm được gần 300 triệu đồng; phần tiền này gia đình ông dành riêng để giúp đỡ người nghèo và làm công tác từ thiện xã hội.
Ngoài ra, hiện nay xã Phú Thành có một nghĩa trang nhân dân diện tích gần 6.000m2, riêng ông Tám Đậu đã hiến 1.000m2 đất và lo toàn bộ chi phí 500 triệu đồng để nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang.
Ông Tám Đậu cho biết: "Gắn bó với công tác từ thiện xã hội hơn 20 năm, cái được lớn nhất đối với ông là được bà con quý mến, gia đình hạnh phúc. Hơn nữa, theo ông, qua những việc mình làm, các con thấy được ý nghĩa và noi theo, học tập cha mẹ sống hướng thiện, làm việc thiện vì xã hội".
Ông Tám Đậu 2 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2007 và 2017), Bằng khen danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhiều Bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đóng góp quỹ Vì người nghèo...
Đặc biệt, ông là một trong 70 điển hình tiên tiến toàn quốc sẽ được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.