Thực hiện Dự án "Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế", Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cho gần 50 cán bộ, hội viên nông dân đến thăm 2 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày tại xã Hòa Liên.
Ông Nguyễn Văn Bích (trú thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chia sẻ: "Gia đình tôi hiện đang nuôi đàn gà và vịt gần 100 con. Sau khi tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân thành phố về kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, tôi đã thực hiện khử khuẩn chuồng trại, nâng cao nền chuồng, tường chuồng, mái đón ánh nắng và thông gió, rải vỏ trấu.
Cứ 5-7 ngày khi thấy lượng phân gà nhiều thì tôi rải thêm một lớp trấu và xịt chế phẩm sinh học để bổ sung vi sinh vật giảm mùi hôi chuồng trại, nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy. Đến nay, lứa gà đã hơn 3 tháng nhưng tôi chưa phải thay lớp đệm sinh học này".
Ông Bích nhận xét việc nuôi gà trên đệm lót sinh học dày mang lại hiệu quả cao, giúp người chăn nuôi giảm công dọn dẹp chuồng trại. Đồng thời tạo ra phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng, giúp đàn gà khỏe mạnh, chóng lớn, góp phần tăng thu nhập mà lại không gây ô nhiễm môi trường.
Cũng tại hộ nông dân Đặng Ngọc Thương (57 tuổi, trú thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên), đoàn tham quan rất ấn tượng với mô hình chăn nuôi kết hợp gồm: thỏ, gà, vịt, dê, heo rừng lai, chim bồ câu. Trong đó, việc áp dụng kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho gia đình ông.
Ông Thương cho hay, trước kia ông nuôi gà theo cách truyền thống nên gà hay bị bệnh và có mùi hôi thối rất khó chịu. Nhưng từ khi áp dụng nuôi trên đệm lót sinh học dày thì giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, chuồng trại khô ráo, sạch sẽ giúp đàn gà phát triển tốt, tăng trọng nhanh, ít bị dịch bệnh.
Bà Lê Thị Anh Đào – Phó Chánh văn phòng Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, cán bộ điều phối dự án chia sẻ: "Các học viên tham gia dự án đã được tập huấn và thực hành kỹ thuật làm chuồng trại; kỹ thuật làm giàn đậu; sắp xếp máng ăn, uống phù hợp; cách làm đệm lót sinh học dày từ phụ phẩm cây trồng để tạo nguồn phân hữu cơ tốt.... Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình và bảo dưỡng đệm lót đúng quy định".
Cán bộ, hội viên nông dân tham quan các mô hình đã tích cực thảo luận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đây là hoạt động thiết thực góp phần nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thuộc Dự án "Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ông Lê Văn Lý (60 tuổi, nông dân xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) hào hứng nói: "Tôi cũng đang thử nghiệm kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày tại gia đình và thấy rất phấn khởi khi giải quyết được vấn đề lớn nhất là giảm mùi hôi thối từ chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp giảm thiểu tình hình dịch bệnh trên gia cầm, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho người nuôi".
Qua buổi tham quan các mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, các hội viên, nông dân đã có thêm nhiều kinh nghiệm để xây dựng thành công mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.