Mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 11, thị trường đã "nhen nhóm" sắc xanh ngay khi mở cửa khiến nhà đầu tư khá kỳ vọng về một phiên phục hồi ngay đầu tháng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1h sau khi mở cửa, áp lực bán đã nhanh chóng quay trở lại khiến thị trường liên tục mất điểm. Có thời điểm, VN-Index thậm chí còn giảm đến gần 10 điểm với áp lực bán rất lớn.
Mặc dù vậy, đến cuối phiên sáng, thị trường dần hồi phục trở lại khi lực cầu tham gia mạnh mẽ hơn. Tạm kết phiên sáng, VN-Index tăng 1,07 điểm, lên mức 1.029,26 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm, lên mức 207,01 điểm. Toàn thị trường tạm nghiêng về bên bán với 282 mã tăng và 336 mã giảm.
Riêng rổ VN30 hầu hết sắc xanh đều chiếm ưu thế với 17 mã tăng, 8 mã giảm và 5 mã đứng giá.
Bước sang phiên chiều, tình hình bắt đầu tốt lên khi lực mua nhập cuộc mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở rổ VN30. Theo đó, rổ này vào phiên chiều có đến 22/30 mã tăng điểm. Nổi bật trong số đó là VJC (+5,45%) và SSI (+5,44%) khi đây là hai cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trong nhóm.
Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như HPG (+4,,13%), VNM (+2,53%) hay FPT (+2,89%).
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán phiên hôm nay tăng tốt. Ngoài SSI (+5,44%) ở trong rổ VN30 như đã đề cập, có thể kể đến các mã như: VCI (+6,75%), HCM (+6,56%), VND (+6,44%), VIX (+6,22%)...
Bên cạnh chứng khoán, hầu hết các nhóm cổ phiếu khác như dầu khí, thép, bất động sản, đầu tư công... đều có mức hồi phục nhất định, hầu hết đều tăng từ 2%-4%.
Ở chiều giảm điểm, áp lực bán trong ngày hôm nay chủ yếu đến từ hai cổ phiếu MWG (-6,90%) và VHM (-1,41%).
Trong 2 mã này, MWG - cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan đến đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài, gây chú ý hơn cả khi giảm kịch sàn, lùi về 35.100 đồng/CP, ghi nhận mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Đây là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của ông lớn ngành bán lẻ này. Tính trong 1 tuần gần nhất, MWG giảm hơn 19% và con số này lên đến 33% chỉ trong vòng 1 tháng qua. Nếu so với mức đỉnh kỷ lục đạt được vào tháng 4/2022 (giá đã điều chỉnh) thì MWG đã mất 44% giá trị.
Biến động tiêu cực giá cổ phiếu MWG diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu cùng với lạm phát leo thang, người tiêu dùng siết chặt hầu bao dẫn đến kết quả kinh doanh của MWG khá ảm đạm.
Cụ thể, trong quý III/ 2023, MWG ghi nhận doanh thu thuần gần 30.300 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi ròng quý III/2023 chỉ gần 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, chuỗi Bách hóa xanh (BHX) của MWG lỗ thêm gần 250 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 quý đầu năm, chuỗi này lỗ 905 tỷ đồng. Như vậy, chuỗi cửa hàng bách hóa của MWG đã lỗ lũy kế gần 8.300 tỷ đồng từ năm 2016.
Bên cạnh BHX, chuỗi cửa hàng ở Campuchia chỉ lỗ thêm 2 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 701 tỷ đồng. Chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ thêm gần 80 tỷ đồng trong giai đoạn này. Tính từ năm 2019 đến nay, chuỗi nhà thuốc đã lỗ tổng cộng 553 tỷ đồng.
Trở lại phiên giao dịch hôm nay, đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mốc 1.039,66 điểm, tăng 11,47 điểm (+1,12%). Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt mức hơn 15,1 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng trên sàn HoSE có gần 680 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh đạt mức hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay quay trở lại bán ròng với giá trị vào khoảng hơn 80 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu vào hai cổ phiếu VHM (-683,07 tỷ đồng) và MWG (-187,68 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, VCI (+97,87 tỷ đồng) và HPG (+91,14 tỷ đồng) là hai cổ phiếu được mua ròng tích cực nhất trong ngày hôm nay. Theo sau đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như SSI (+75,38 tỷ đồng), PDR (+61,93 tỷ đồng) hay VND (+60,40 tỷ đồng).