Nửa đầu năm 2023, thị trường nhà mặt phố Hà Nội bất chấp tình trạng "vắng khách" nhưng vẫn tiếp tục giữ giá. Trong đó, giá thuê nhà phố tại khu vực nội thành Hà Nội nhiều nơi không giảm, thậm chí còn tăng lên vì chủ nhà không muốn giảm mặt bằng giá thuê.
Giá thuê nhà phố tại Hà Nội đang giảm từ 5 - 10% (Video: Quang Thái)
Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện vẫn gặp khó khăn từ cuối năm 2022 đến hiện tại cũng khiến thị trường nhà mặt phố Hà Nội ảnh hưởng. Một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn đã ghi nhận thực trạng suy giảm cả nhu cầu và giá thuê nhà phố.
Cụ thể, nhà mặt phố tại quận Hoàn Kiếm như: phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và khu vực phố cổ thì tình trạng mặt bằng bị khách trả trước hạn do không kinh doanh được đang giảm từ 5 - 10%. Theo đó, tại phố Bà Triệu nhiều chủ nhà chào giá thuê dao động 130 - 450 triệu đồng/m2 với diện tích khoảng 150m2, thấp hơn 10% so với năm 2022 (từ 150 - 500 triệu đồng/m2). Những mặt tiền kinh doanh nhỏ hơn, có diện tích từ 50 - 60m2, giá chào thuê nhà phố hiện tại cũng chỉ đang ở mức 55 - 84 triệu đồng/tháng, giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm 2022 (từ 60-90 triệu đồng/tháng).
Còn giá thuê nhà mặt phố Trần Hưng Đạo từ mức 160-500 triệu đồng/tháng với các diện tích lớn cũng giảm xuống 150-460 triệu đồng/tháng. Các diện tích nhỏ 40-60m2, giá thuê ghi nhận trên một số hợp đồng cũng chỉ đạt mức 40-70 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Theo anh Đức Đạt (phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm), giá thuê nhà phố tại khu vực này thường duy trì ở mức 50 - 65 triệu đồng/tháng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây một số nhà đã giảm giá thuê từ 5 - 10% để thu hút khách hàng có nhu cầu thuê để kinh doanh.
"Nhu cầu thuê tại khu vực này thì rất cao tuy nhiên khi hỏi mức giá thì nhiều khách hàng bỏ chạy vì giá thuê quá tầm. Một số nhà chỉ cho thuê được vài tháng rồi khách hàng đàm phán giảm giá thuê hoặc sẽ trả mặt bằng. Nguyên nhân cũng bởi kinh tế khó khăn, tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm nên khách thuê cũng muốn chủ nhà hỗ trợ giảm giá để ký hợp đồng thuê lâu dài", anh Đạt cho biết.
Ngoài ra, tại quận Ba Đình, Đống Đa,... giá thuê nhà phố cũng không còn duy trì được mức 150 - 300 triệu đồng/tháng mà giảm nhẹ về 130 - 280 triệu đồng/tháng. Theo một số môi giới bất động sản, tình trạng kinh doanh ế ẩm kéo dài khiến số lượng mặt bằng trống không được cải thiện dù vị trí đắc địa tại khu trung tâm. Để tránh tình trạng bị bỏ trống, nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá 10%, thậm chí sẽ còn giảm sâu hơn trong thời gian tới để thu hút khách thuê.
Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Theo đó, tại Hà Nội, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy,... Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và giá thuê nhà phố vẫn cao "quá sức chịu đựng" của khách hàng.
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường mặt bằng cho thuê nhà phố bắt đầu có hiện tượng “ế” xuất hiện từ quý II/2023, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân bởi việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, trong nửa đầu năm tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng.
"Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, các nhà bán lẻ sẽ cần thay đổi và thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa. Trong khi đó, những cửa hàng truyền thống cần được nhãn hàng nhìn nhận là nơi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi, giải trí và các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại", bà Minh cho biết.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn. Nguyên nhân bởi ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định nguồn cung mặt bằng thuê nhà phố nhiều trong khi nhu cầu giảm mạnh, người đi thuê có nhiều chọn lựa nên muốn giảm giá thấp hơn nhiều so với trước dịch Covid-19 dẫn tới xuất hiện mâu thuẫn về giá giữa bên đi thuê với chủ nhà. Cùng với đó, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, dịch chuyển dần giao dịch từ mua bán trực tiếp tại cửa hàng sang hình thức kinh doanh trực tuyến. Vì thế, một số người thuê nhà phố để kinh doanh cho rằng thời điểm này không nhất thiết phải có mặt bằng cửa hàng.