Dân Việt

Nhà văn Bùi Như Lan - Nghe tiếng chim Kỷ Giàng

Nguyễn Trọng Văn 02/11/2023 06:00 GMT+7
Nhà văn Bùi Như Lan, người dân tộc Tày Bắc Kạn, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006. Cô đã xuất bản 15 đầu sách và cũng được nhận nhiều giải thưởng văn học.

Cô là nữ nhà văn viết văn xuôi đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Là nữ nhà văn viết về đề tài chiến tranh gắn với dân tộc và miền núi duy nhất. Hiện cô là Phó TBT báo Quân khu 1.

Thực ra, nếu nói chi li thì Nhà văn Bùi Như Lan (Bùi Thị Như Lan) mang họ của mẹ, bà vốn gốc dân tộc Mường. Tổ tiên của cô vốn mang họ Bùi, một trong những dòng họ chính và danh giá của người Mường Hòa Bình. Theo như truyền lại thì hồi xa xưa, dòng họ Bùi của nhà văn Bùi Như Lan là một dòng họ có truyền thống hiếu học và truyền thống làm quan. Đâu như cũng rất lâu rồi, lâu đến nỗi phải điều chỉnh lại gia phả, cụ tổ họ Bùi đỗ và được bổ làm quan ở Chợ Đồn Bắc Kạn. Cụ tổ lên Bắc Kạn làm quan rồi sinh con đẻ cái ở đó. Con cháu cụ hôn nhân với người Tày bản địa. Đến đời cháu chắt chút cũng theo vậy, nghĩa là hôn nhân với người Tày. Qua đời này rồi qua đời khác, người vẫn mang họ Bùi nhưng đã "Tày hóa" nên thành người dân tộc Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn?

Nhà văn Bùi Như Lan - Nghe tiếng chim Kỷ Giàng - Ảnh 1.

Nhà văn Bùi Như Lan. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Nhà văn Bùi Như Lan nghe tôi phỏng đoán vậy thì gật đầu, chẳng biết là cô đồng tình hay phản bác nữa nhưng cô cho biết thêm: "Huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn từ xưa tới nay vẫn là vùng đất "trai xinh gái đẹp", thêm nữa đây cũng còn là vùng đất học của tỉnh Bắc Kạn nữa". Nghe nhà văn Bùi Như Lan nói thế tôi nói: "Thảo nào em có những 2 bằng Đại học và lại cũng xinh nữa".

Nhà văn Bùi Như Lan cho hay: "Từ năm học lớp 3 (cuối những năm 70) em đã có bài tản văn được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong. Bài tản văn có tên là Vườn na của mẹ". Dạo đó, tức là dạo cô có bài đầu tiên được in báo ấy, cô học trò lớp 3 tóc túm đuôi gà ấy đang tung tăng đi học về. Qua chỗ đầu phố (Gia đình cô sinh sống ở thành phố Thái Nguyên và cô thành người Thái Nguyên) thì chợt chú bán báo nhác thấy bóng cô liền chạy ra gọi rối rít: "Lan ơi! Cháu có bài đăng trên báo đây này. Lại còn có đăng cả ảnh mày nữa". Cô bé Bùi Như Lan sững người lại nhưng rồi khi cầm trên tay tờ Thiếu niên tiền phong thì cô reo lên sung sướng. Cô đứng lặng rồi thẽn mặt nói với chú bán báo: "Cháu không có tiền. Chú bán chịu cho cháu, cháu về nhà xin tiền mẹ mang ra trả chú". Chú bán báo cười rất vui: "Chú cho mày hẳn 2 tờ. Không phải trả tiền đâu. Mày mang luôn về nhà khoe với mẹ đi".

Nhà văn Bùi Như Lan - Nghe tiếng chim Kỷ Giàng - Ảnh 2.

Các tác phẩm của Nhà văn Bùi Như Lan. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ai dè, khi cô bé Lan cầm tờ báo "hí hửng" đem khoe với mẹ thì cô "bị dội gáo nước lạnh". Mẹ cô nghiêm mặt lại: "Phải học toán cho giỏi. Mẹ mà còn thấy con viết bài nữa thì mẹ không tha đâu". Nói rồi mẹ cô kéo cô đến đứng trước ban thờ, mẹ châm nén hương rồi lầm rầm khấn bái. Sau này nhà văn Bùi Như Lan mới biết hôm ấy mẹ cô thắp hương khấn bái cầu xin linh hồn cha cô phù hộ độ trì về "cấm" cô viết lách (cha cô là liệt sĩ)". Và cũng sau nay cô mới hay mẹ cô cho rằng: Làm nghề văn chương chữ nghĩa sẽ nghèo. Muốn làm nên cơ đồ thì phải học toán giỏi.

Thế là cô bé Bùi Như Lan "sợ", cô sợ chuyện viết lách sẽ nghèo nên rất vâng lời mẹ dặn. Cái niềm mê văn chương vừa mới le lói đã vụt tắt, Bùi Như Lan bẵng đi chuyện văn chương chữ nghĩa (Việc này hình như trái với truyền thống dòng họ Bùi?). Cô thi đỗ vào Khoa Toán của Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

Cô giáo sinh Toán trẻ măng Bùi Như Lan ra trường thì "nhập ngũ" luôn, cô bộ đội "mới toanh" được phân công về dạy Toán tại Trường Thiếu sinh quân của Quân khu 1, đó là năm 1989. Cái hay là cô được công tác ở gần nhà, trường Thiếu sinh quân đóng ở thành phố Thái Nguyên. Cô giáo Bùi Như Lan đứng lớp làm nghề "gõ đầu trẻ" được 4 năm thì cô chuyển sang làm phóng viên cho Báo Quân khu 1. Dường như cái nghề báo chí cộng với sự động viên của người chồng, chồng cô bảo: "Em nên trở lại chuyện viết văn có từ lớp 3 đi" đã khích lệ cô viết văn trở lại.

Nói thế nhưng cũng phải thêm 4 năm nữa thì nữ phóng viên Bùi Như Lan mới thực sự ngồi vào bàn và viết văn. Thêm nữa, năm 1997 Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động "Cuộc thi viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội", được lời như cởi tấm lòng. Bùi Như Lan mạnh dạn viết và gửi truyện ngắn tham dự. Khi Cuộc thi tổng kết, truyện ngắn "Bố ơi" của Bùi Như Lan đoạt Giải 3 (không có Giải Nhất). Câu chuyện viết về người cha của cô thật chân thực và xúc động. Và dường như người cha liệt sĩ của cô đã "phù hộ độ trì" cho cô nhưng ông không làm theo yêu cầu năm xưa của mẹ cô là "cấm" cô viết văn mà ông lại phù hộ độ trì để cô hồi sinh mãnh liệt chuyện viết văn.

Nhà văn Bùi Như Lan - Nghe tiếng chim Kỷ Giàng - Ảnh 3.

Nhà văn Bùi Như Lan tặng sách cho tác giả bài viết. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Hôm về Hà Nội dự tổng kết và nhận giải thưởng, cây bút trẻ Bùi Như Lan được gặp Nhà văn Xuân Thiều, thành viên Ban giám khảo và Nhà văn Nam Hà, hai ông nhà văn "hàm tướng viết văn" của Quân đội đã trao đổi với cô về nghề viết văn và động viên cô rất nhiều. Nhà văn Nam Hà còn bảo: "Chú tin rằng cháu sẽ thành danh trên văn đàn nhưng cháu chú ý đọc văn của người khác để học tập, để tránh trùng lặp".

Sau cuộc thi ấy và nhất là giải thưởng đã làm nên động lực, cây bút Bùi Như Lan hăm hở viết. Cô được Nhà xuất bản Quân đội mời đi dự Trại sáng tác ở Hồ Núi Cốc, cũng ngay mảnh đất Thái Nguyên nơi cô sinh sống và làm việc, Bùi Như Lan được gặp lại Nhà văn Nam Hà, ông "dắt tay" cô tới giới thiệu với Phòng Văn hóa văn nghệ Quân đội. Ông Nhà văn Xứ Nghệ từng chinh chiến ở chiến trường Miền Đông Nam bộ đã nói vắn tắt với cán bộ của phòng: "Đây là mộ cây viết nữ người dân tộc Tày và cũng là một chiến sĩ của Quân khu 1".

Chính sự quan tâm ấy lại tiếp thêm nguồn lực cho cây bút Bùi Như Lan. Cô lại được Quân đội "đầu tư chiều sâu" thông qua việc mời cô đi dự Trại sáng tác những 3 tháng. Trại năm 2000 được tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Đang ở trên rừng nay xuống biển cứ như một "tiếp sức" rộng dài cho cô, Bùi Như Lan viết và được in truyện ngắn liên tiếp trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chùm truyện ngắn với 3 truyện là: Núi Đợi; Tiếng chim Kỷ Giàng và Mùa mắc mật xuất hiện đã đem về cho cô Giải 3 (không có Giải Nhất) của cuộc thi Truyện ngắn 2001- 2002 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.

Cũng hôm cô nhận giải, Tiến sĩ Đoàn Hương đã nói với mọi người: "Đây là một giọng văn có tiếng nói riêng, có phong cách riêng và không trộn lẫn". Câu nhận xét của nữ Tiến sĩ đầy cá tính ấy vô cùng đúng, truyện ngắn của Bùi Như Lan rất riêng. Cái "riêng" đầu tiên chính là bối cảnh của truyện, cô tập trung vào đề tài dân tộc và miền núi như là một cách "tri ân" về nguồn gốc và điều kiện sống của mình. Những truyện ngắn"rừng rú" của Bùi Như Lan đã cho mọi người thêm một lần được "sống" được "ăn" và được "thở" với "hơi thở của đại ngàn Việt Bắc – Tây Bắc. Tiếng con chim Kỷ Giàng hót đúng là một "Tiếng chim báo tin vui" như người dân tộc Mông thường nói. Những trang viết, những câu văn và đặc biệt là những câu truyện được Bùi Như Lan kể đã làm người đọc mê mẩn.

Bùi Như Lan là con một người lính và chính cô cũng là một người lính nên cô ngoài đề tài miền núi ra thì đề tài "người chiến sĩ" đề tài "chiến tranh" luôn được cô khai thác. Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã phải thốt lên: "Người ta viết nhiều về chiến tranh nhưng viết về người vợ lính, người mẹ lính ở vùng núi cao đã tiễn chồng con ra trận thì chưa có ai". Bùi Như Lan là cây bút đầu tiên viết về những người mẹ, người vợ ở vùng núi cao. Câu chuyện cô kể như nét khắc họa về hình ảnh, như những đường kim mũi chỉ, đã thêu và đã đã dệt lên hình ảnh những người chồng, người cha tạm biệt những cánh rừng, tạm biệt những quả đồi, họ xuống núi và đi thẳng ra mặt trận không hẹn ngày về. Câu chuyện cô kể gieo vào lòng độc giả niềm riêng, rất riêng của những người đàn bà miền núi, những người đàn bà cặm cụi ngồi thêu nên những chiếc váy đẹp để mong có ngày được mặc nó đón người thân trở về.