Thực hiện Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế", Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã khảo sát và chọn 5 xã thuộc huyện Hoà Vang tham gia dự án gồm: Hoà Tiến, Hoà Châu, Hoà Khương, Hoà Liên và Hoà Sơn.
Hội tổ chức cho nhiều cán bộ, hội viên nông dân đến thăm mô hình nuôi trùn quế xử lý chất thải chăn nuôi tại hộ gia đình anh Nguyễn Đăng Quốc Chính (38 tuổi, trú khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Bà Lê Thị Anh Đào – Phó Chánh văn phòng Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, cán bộ điều phối dự án chia sẻ: "Mục đích nuôi trùn quế là nhằm xử lý chất thải nông nghiệp (phân vật nuôi) thành thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, bởi trùn quế chứa 17 loại axit amin, khoáng chất, hóc môn tăng trưởng tự nhiên. Ngoài ra, phân trùn quế là loại phân hữu cơ chất lượng cao, cải tạo đất kém màu mỡ, nhờ đó giúp người nông dân tăng thêm thu nhập".
Chăn nuôi đàn bò với số lượng 50 con, anh Chính đã ứng dụng mô hình nuôi trùn quế trong suốt 5 năm qua nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo anh Chính, nuôi trùn quế không khó, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lại nhẹ công chăm sóc. Cơ bản là phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho trùn sinh sống trong khoảng từ 20-28 độ C, tưới nước và giữ ẩm trại, che chắn bảo vệ cho trùn quế không bị kiến, dế nhũi và một số động vật khác cắn chết.
Thức ăn của trùn cũng dễ tìm như phân heo, bò, các phụ phẩm chăn nuôi như bã mía, rau, củ, quả.... Chỉ cần quan sát thấy phân trên lớp mặt khô là có thể tiếp tục cho trùn ăn.
Nhiều người nuôi trùn quế bằng các phụ phẩm sinh học khác, nhưng anh chỉ dùng duy nhất phân bò vì theo anh phân bò tốt và an toàn cho hệ tiêu hoá của trùn quế nhất. Trùn quế sau thời gian nuôi 1 tháng là có thể thu hoạch, anh Chính bán sinh khối trùn quế với giá 30.000-35.000 đồng/kg, trùn thịt 170.000-200.000 đồng/kg, phân trùn quế 5.000 đồng/kg.
Hiện trang trại nuôi trùn quế của anh đã mở rộng lên gần 1.000m², chia làm 2 khu nuôi gồm: khu trùn giống, trùn thịt và phân trùn. Anh còn đầu tư thêm cả hệ thống tưới nước tự động để giữ ẩm trại.
Bà Ngô Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, giảng viên Dự án cho biết: "Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm, vitamin, axit amin để nuôi gia súc, gia cầm và thủy, hải sản, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, nâng cao sức đề kháng và cho chất lượng sản phẩm thịt ngon hơn.
Trùn quế ăn phân động vật nên người nông dân không còn xả chất thải ra môi trường, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các vấn đề về sức khỏe. Phân trùn quế là phân bón hữu cơ đặc biệt tốt cho cây trồng và rất thân thiện với môi trường".
Ông Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, nông dân xã Hòa Liên) vui vẻ nói: "Tôi thấy mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế của gia đình anh Chính rất phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, việc nuôi trùn quế đã giúp người nông dân xử lý phân vật nuôi, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư".
Hiện nay, mỗi xã tham gia dự án có 2 mô hình nuôi thử nghiệm trùn quế và đang cho tín hiệu rất khả quan. Dự kiến trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng số hộ ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải, giải quyết lãng phí thức ăn dư thừa, giảm thiểu rác thải ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập.