Dân tộc Mông xanh là dân tộc thiểu số rất ít người, hiện chỉ có ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với gần 1.000 nhân khẩu, tập trung chủ yếu tại 2 thôn Tu Thượng, Tu Hạ và rải rác ở một số thôn của xã Nậm Xé.
Việc lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Mông xanh là nội dung ưu tiên được đưa vào Dự án triển khai trong năm 2023. Dựa trên nền tảng là những nét văn hóa độc đáo riêng có, huyện Văn Bàn đã lựa chọn hỗ trợ đồng bào phục dựng "Tết tháng 7". Đây được xem là ngày lễ lớn thứ 2, chỉ sau tết Nguyên đán của đồng bào dân tộc nơi đây.
Được bắt đầu từ ngày 10/7 âm lịch kéo dài đến ngày 15/7, những nghi thức truyền thống còn được lưu giữ, mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc trong văn hóa của người Mông xanh. Mâm lễ tươm tất đủ đầy được dâng lên tạ ơn tổ tiên những người đã khuất phù hộ con cháu khỏe mạnh. Cây cối sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu…Để dân bản có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Những nét văn hóa đặc trưng trong phần lễ và phần hội của tết Tháng 7 là những chất liệu quan trọng rất cần được gìn giữ và phát huy.
Ông Vàng A Tớ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn cho biết: "Bà con nhân dân hết sức phấn khởi, vui vẻ, không khí lành mạnh, từ đó tạo cho nhân dân ổn định, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho bà con".
Câu lạc bộ "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông xanh" do hội phụ nữ xã thành lập ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn. Mỗi buổi sinh hoạt thành viên cao tuổi giới thiệu về các trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, ống hát, đu quay... hướng dẫn kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống cho hội viên trẻ. Người biết truyền dạy cho người chưa biết, cứ thế khơi dậy nhân lên tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Ngày hội của bản thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, từ già đến trẻ, ai cũng diện trên mình bộ trang phục dân tộc. Không quá sặc sỡ về màu sắc, hay cầu kỳ về chi tiết, trang phục truyền thống người Mông Xanh lại rất ấn tượng bởi sự khỏe khoắn và những nét độc đáo riêng từ mũ đội cho đến áo, váy, mà không giống với bất cứ dân tộc nào.
Buổi phục dựng phần hội được chuẩn bị chu đáo quy mô, bà con được hướng dẫn tự tay làm đạo cụ cho các trò chơi dân gian vốn có của mình. Chỉ với con dao, cây gỗ thẳng được đẽo gờ hai đầu, chôn cọc chính giữa là đã hoàn thiện xong một cây cầu đu quay của người Mông Xanh. Hai người chơi đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, giữ thăng bằng tốt, một người đẩy và đu quay, hai người lên xuống quay theo chiều từ trái sang phải. Hiện nay, các đoàn thể ở địa phương và nghệ nhân dân gian đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để bảo tồn lại những nét văn hóa này cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Lý A Khải, thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé khẳng định: "Sẽ có gắng giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa của người Mông Xanh, tôi rất mong muốn cơ quan hữu quan giúp đỡ".
Bằng đôi bàn tay khéo léo này, người đàn ông dân tộc Mông xanh có thể đan những quả Pao tròn trịa và đẹp mắt. Một thứ dụng cụ chơi không chỉ trẻ con trong bản mà người lớn cũng rất yêu thích. Tung qua tung lại đòi hỏi sự tập trung của người chơi. Phần phục dựng tái hiện đầy đủ các trò chơi dân gian ngoài trời của đồng bào hiện còn đang lưu giữ đến ngày nay. Như đánh Cù quay, đi cà Kheo, Tung còn, Ném Pao, Tắt én… Người chơi phải thể hiện được sức mạnh sự khéo léo, độ chính xác cao, tính phán đoán ước lệ và sự điêu luyện của đôi tay, đồng thời còn thể hiện ở lối chơi đẹp, phối hợp ăn ý đoàn kết trong các đội chơi. Những tiếng cười rộn rã của cả người thắng và thua cuộc tạo nên một một không khí vui vẻ, đoàn kết cộng đồng, hấp dẫn cả người chơi và người đến xem.
Bà Vàng Thị Sái, thôn Tu Hạ, xã Nậm Xé cho biết: "Mình là lớp người lớn tuổi, hiểu biết hơn cũng dạy con cháu cách làm còn, yến để vui chơi, rồi thêu hoa văn thổ cẩm, đời này chuyền cho đời sau thì văn hóa truyền thống không bị mai một".
Múa Khèn được xem là nghệ thuật trình diễn dân gian đã được lưu truyền từ lâu đời của người Mông. Đối với người Mông xanh nói riêng, khi tiếng khèn Mông cất lên cũng là lúc những bước nhún, bước quay, vòng xoay tạo lên điệu múa rất lôi cuốn. Ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong các nghi lễ. Với tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi Khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa đã tạo nên sức hút, hấp dẫn.
Thổi khèn lá, hát ống, hát giao duyên không đơn thuần chỉ là nét văn hóa dân gian còn lưu giữ đến ngày nay mà còn trở thành phương tiện giao lưu tình cảm giữa nam nữ của dân tộc Mông. Với hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn, mỗi câu hát mộc mạc dí dỏm, hát đi hát lại nhiều lần. Tiếng hát giúp quên đi mọi mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc.
Trong lao động, sản xuất, lễ hội người dân nơi đây lại cất cao những lời hát ngọt ngào nhờ đó lưu giữ lại được nghệ thuật hát ống độc đáo. Những nét văn hóa đặc sắc, trò chơi dân gian của người Mông Xanh Nậm Xé –Văn Bàn đã được các nhà nghiên cứu quan tâm khảo sát, cũng như đề nghị xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể. Đây là những nỗ lực của địa phương và ngành văn hóa trong công tác bảo tồn.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phòng Di sản Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: "Trong Đề án cũng đã xây dựng một số chương trình, trong đó có bảo tồn và xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể về trang phục của người Mông Xanh, đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của quốc gia".
Việc bảo tồn giữ gìn phát huy Bản sắc văn hóa dân tộc được đưa vào chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Văn Bàn, giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó là các giải pháp tăng cường hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi lợn bản địa, tham gia dự án trồng Măng Sặt, trồng rừng… để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của đồng bào, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp, đồng thời cùng chung tay nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mình.