Trên diện tích 1,5 sào đất lúa đấu thầu của xã, bắt đầu từ năm 2021, ông Nguyễn Văn Bình ở xóm Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) viết đơn xin chính quyền cải tạo thành ao nông, chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cua đồng, nuôi chạch đồng.
Được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, ông thuê máy múc đào thành ao cạn (sâu khoảng 80cm so với bờ thửa), xung quanh bờ, ông kè bằng bê tông phía trên, và lót bạt, tôn phía dưới bùn ngăn rắn, chuột làm tổ quanh bờ.
Ở giữa ao, ông đào mương bao quanh để dẫn nước vào và xả nước ra, đảm bảo nước trong ao nuôi luôn tuần hoàn, tránh các mầm bệnh cho cua đồng.
Sau khi chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng, một mặt, ông đặt mua cua con của người dân đi bắt trong vùng, vừa tự mình đi bắt cua đồng về lựa chọn và thả cua giống.
“Giống cua đồng địa phương tương đồng về môi trường sống, khí hậu sẽ dễ thích nghi, sinh trưởng hơn là mua cua giống từ Hải Phòng, Hải Dương về. Do đó, lứa đầu nuôi, dẫu chưa có kinh nghiệm song tỷ lệ cua sống lên đến 90%”, ông Bình cho biết.
Nuôi cua đồng không tốn nhiều vốn, không tốn công chăm sóc; thức ăn đơn giản và có thể tự chế như: Cám gạo, cám ngô, bột cá, 3 ngày chỉ cần cho ăn 1 lần. Vì vậy, nuôi cua đồng chỉ cần tranh thủ thời gian rỗi trong ngày.
Điều quan trọng nhất là phải nắm chắc đặc tính sinh trưởng của cua. Chẳng hạn, như giai đoạn cua lột xác nên thả ống tre để làm chỗ cho cua trú ngụ, tránh tình trạng con này ăn xác con kia; giai đoạn cua sinh sản nhiều thì phải thu hoạch tỉa các con cua trưởng thành, nhường chỗ cho cua con phát triển. Cua không ưa nắng nóng, do đó, phải lấy bèo tây thả vào ao để cua trú ẩn trong mùa Hè.
“Thả bèo trong ao cũng phải có kỹ thuật. Bèo tây thả vào đủ số lượng, đảm bảo mật độ, được phân vùng cụ thể chứ không thả tràn lan, cho bèo phủ kín mặt ao.
Bởi khi bèo tây phủ kín thì cua sinh trưởng kém, do không gian sống thu hẹp, mặt khác, cũng khó quan sát cua, khó nắm bắt được cua đồng bị dịch bệnh hay không.
Những tháng cuối chu kỳ nuôi, cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua đồng nhanh lớn và chắc thịt.
Đồng thời, chú ý thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4-1/3 lượng nước trong ao”, ông Bình chia sẻ.
Nuôi cua đồng không phải lo “đầu ra” sản phẩm, vì được thị trường ưa chuộng nhờ cua thịt chắc hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn, mà quan trọng là người tiêu dùng không lo cua bị nhiễm các loại hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để cua được giá, theo kinh nghiệm của ông Bình thì người nuôi phải chủ động căn chỉnh thời gian xuống giống và thu hoạch.
“Khi lúa ở ngoài đồng chưa thu hoạch, cua đồng khan hiếm vì khó bắt thì giá cao, lúc này thì chủ động thu hoạch, vừa dễ tiêu thụ, vừa được giá. Còn tháng 11, thời kỳ cua sinh sản cao điểm thì thu mua giống để thả”, ông Bình cho biết.
Để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, ông Bình còn nuôi xen chạch đồng trong ao cua, bởi đây là đối tượng dễ nuôi, sống ở tầng sâu dưới bùn nên không ảnh hưởng đến cua.
Theo nhẩm tính của ông Bình, mỗi năm, 3 lứa cua, mỗi lứa 2 tạ, với giá cua đồng bán 100.000-120.000 đồng/kg, ông thu về khoảng 70 triệu đồng và khoảng 30 triệu đồng từ tiền bán chạch đồng thì 1,5 sào ao mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng. So với trồng lúa 2 vụ trước đây thì cao gấp 30-35 lần.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) cho biết: Mô hình nuôi cua đồng từ ruộng lúa vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông, vừa làm phong phú, đa dạng các đối tượng nuôi cho ngành nông nghiệp.
Đồng thời, mô hình nuôi cua đồng góp phần bảo tồn và phát triển một loại thủy sản có giá trị kinh tế là cua đồng, cung cấp thêm một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn cho người tiêu dùng… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn để nhân rộng mô hình nuôi cua đồng sinh sản cho bà con nông dân".
Mô hình nuôi cua đồng, chạch đồng trong ao kè của nông dân xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Clip: Phúc-Thu (Báo Nghệ An).